Khóa tập huấn có sự tham gia của hơn 80 đại biểu là kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, cán bộ tư pháp, trợ giúp viên pháp lý, công an, cán bộ các bộ ngành liên quan và Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các nhân viên công tác xã hội đến từ 17 tỉnh thành trong cả nước cùng các chuyên gia quốc tế chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết, truy tố các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em theo hướng nhạy cảm giới nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tiếp cận công lí cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Đây cũng là nơi để các cán bộ tư pháp, hành pháp, cán bộ các bộ ngành liên quan và cán bộ Hội LHPN Việt Nam cũng như nhân viên công tác xã hội chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, khó khăn, thách thức và trao đổi cùng chuyên gia quốc tế về phương pháp lấy nạn nhân làm trung tâm trong các giai đoạn truy tố các vụ việc bạo lực trong hệ thống tư pháp hình sự. Giảng viên của khóa tập huấn là bà Kathryn Quaintance, Thẩm phán của Tòa án Quận Hennepin, Minnesota, Hoa Kỳ, người đã có hơn 22 năm kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; và bà Lori Flohaug, Tiến sĩ luật, Giám đốc Pháp luật và Chính sách của Tổ chức Quyền phụ nữ toàn cầu – đối tác kỹ thuật của UN Women cấp khu vực.
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (gần 63%) đã từng chịu một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, hơn 90% phụ nữ bị bạo lực tình dục hoặc/và bạo lực thể xác do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Phát biểu tại tập huấn, Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Các kiểm sát viên đóng vai trò quan trọng trong việc chấm dứt tình trạng không bị xét xử đối với các hành vi bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Công tác truy tố quyết liệt, đem đến thành công có thể gửi một thông điệp nhất quán về sự không khoan nhượng của xã hội với những hành vi này. Hệ thống tư pháp hình sự đặt ra tiêu chuẩn, giúp xã hội chúng ta nhận diện đâu là những hành vi không thể chấp nhận được, từ đó cung cấp cho các quan chức tư pháp hình sự thẩm quyền điều tra, truy tố và trừng phạt hành vi phạm tội trên cơ sở giới.”
“Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em, quá trình giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em kịp thời, hiệu quả, theo hướng nhạy cảm giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã rất chủ động, tích cực trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan tới phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; đẩy mạnh phối hợp thông qua ký kết và thực hiện tốt các Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp); thực hiện các chương trình, đề án, duy trì các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, bị mua bán thông qua Ngôi nhà Bình yên, Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Sự phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam và các cơ quan đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái; bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”, Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ.
Trong suốt khóa tập huấn, chuyên gia và học viên đã cùng nhau tìm hiểu các loại hình bạo lực đối với phụ nữ, phân tích những rào cản mà nạn nhân phải đối mặt khi tiếp cận hệ thống Tư pháp Hình sự, nguyên nhân của tình trạng này cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa các bên liên quan như Viện kiểm sát, Tòa án, Luật sư, trợ giúp viên pháp lý, công an, nhân viên công tác xã hội, cán bộ Hội phụ nữ v.v… trong hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.