Nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trẻ em
Trong thời gian qua, công tác BVCSGDTE luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trọng tâm về giáo dục, chăm lo đời sống tinh thần, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm điều kiện thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
Các địa phương trong cả nước đã nỗ lực kiện toàn, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác BVCSTE các cấp. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội và chính các em về việc thực hiện các quyền được bảo vệ và an toàn của trẻ; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ có nguy cơ và nhóm trẻ em nghèo.
Việc củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác BVCSTE các cấp, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã, phường giúp UBND, chủ tịch UBND giải quyết các vấn đề trẻ em, thực hiện quyền trẻ em ở địa phương, nhằm giải quyết các vấn đề trẻ em thuộc thẩm quyền, đồng thời bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt là việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác BVCSTE; ưu tiên đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và mạng lưới cộng tác viên xã, phường trong việc thực hiện các quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, thực hiện chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thu thập thông tin về trẻ em các cấp.
Công tác đào tạo, tập huấn năng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác trẻ em được chú trọng.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) làm công tác trẻ em không ngừng được nâng cao đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện hiệu quả công tác BVCSGDTE. Thời gian qua, cán bộ kiêm nhiệm công tác trẻ em các cấp và đội ngũ CTV đã phát huy vai trò, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giao lưu truyền thông, ngoại khóa, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đời sống vật chất, tinh thần của trẻ từng bước được cải thiện, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí được quan tâm, đầu tư.
Công tác đào tạo, tập huấn năng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp được chú trọng. Chất lượng các lớp tập huấn được nâng cao, phương pháp tiếp cận phù hợp với nhận thức của các đối tượng tại cơ sở, theo đó nhận thức và kỹ năng BVCSTE của cán bộ làm công tác BVCSTE được nâng lên.
Hệ thống cung cấp dịch vụ BVCSTE được củng cố và phát triển. Các hoạt động xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, mô hình phòng chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em dựa vào cộng đồng, mô hình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng được triển khai ở các xã trọng điểm, đã hạn chế tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghiện ma túy, trẻ em bị đuối nước…
Giao lưu, thực hành kỹ năng làm việc trẻ em.
Hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ chuyên trách về trẻ em hoạt động hiệu quả
Công tác BVCSTE ngày càng được quan tâm hơn, thể hiện rõ nhất là đã có nhiều chủ trương, chính sách, đề án, chương trình hành động liên quan đến công tác trẻ em được ban hành từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, để đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật về trẻ em đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, đảm bảo mọi trẻ em đều được chăm sóc, học tập, phát triển bình đẳng, toàn diện thì đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhất là cán bộ cấp cơ sở có vai trò rất quan trọng. Chính vì vậy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em là việc làm cần thiết và thường xuyên.
Để hoàn thành các chương trình, đề án, kế hoạch về lĩnh vực trẻ em giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị xây dựng chương trình, đề án, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030, Bộ LĐTBXH đã đề nghị các cấp, ngành liên quan thực hiện các công tác trẻ em bao gồm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em. Các đơn vị bảo đảm cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước về trẻ em và nhân lực thực hiện công tác trẻ em tại địa phương. Đến hết năm 2020, tất cả các xã, phường, thị trấn được bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số cán bộ, công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách, có nhóm thường trực bảo vệ trẻ em và có chính sách của địa phương hỗ trợ đội ngũ bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho đội ngũ làm công tác BVCSTE các cấp, đặc biệt là cấp xã và thành viên của tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.
Để đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật về trẻ em đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, đảm bảo mọi trẻ em đều được chăm sóc, học tập, phát triển bình đẳng, toàn diện thì đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhất là cán bộ cấp cơ sở có vai trò rất lớn. Chính vì vậy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em là việc làm cần thiết và thường xuyên.
Thành Sơn/GĐTE