Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em

Chương trình giảng dạy “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em” (CES) đang được triển khai giảng dạy tại một số huyện ở Thanh Hoá, Tuyên Quang cho học sinh tiểu học. Với phương pháp giảng dạy trực quan và các ví dụ minh họa rõ ràng, các em được cung cấp các kiến thức về quyền trẻ em, các nhóm quyền, bổn phận của trẻ em và các kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trang bị kiến thức tự bảo vệ bản thân cho học sinh tiểu học

Từ ngày 9 đến 25/10, Tổ chức Good Neighbors International (GNI) phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định (Thanh Hoá), đã triển khai chương trình giảng dạy “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em” (CES) cho 80 lớp khối 4 và 5 tại 12 trường tiểu học trên địa bàn huyện Yên Định với hơn 2.712 học sinh tham gia.

Các em học sinh tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hào hứng tham gia tiết học về “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân”. Ảnh: GNI

Các em học sinh tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hào hứng tham gia tiết học về “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân”. Ảnh: GNI

Đồng thời, tháng 9 vừa qua, Tổ chức Good Neighbors Vietnam đã giảng dạy 44 tiết học về “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em” cho hơn 1.400 học sinh khối lớp 4,5 ở 4 trường tiểu học tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Theo GNI, tại các tiết học về “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em”, các em nhỏ được xem kịch rối để rồi từ đó, các bài học về về xâm hại trẻ em, dụ dỗ bắt cóc được truyền tải đến các em một cách gần gũi và thú vị. Các em cũng lần đầu tiên được học về tên khoa học của các bộ phận quý báu, nhạy cảm trên cơ thể. Bên cạnh đó quy tắc đồ bơi, ba bước bảo vệ bản thân, các màn kịch giả định đều được cô giáo GNI giảng dạy tới tất cả các bạn học sinh.

Thực hiện giảng dạy “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em” tại Yên Định. Ảnh: GNI

Thực hiện giảng dạy “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân cho trẻ em” tại Yên Định. Ảnh: GNI

Tại Chương trình, các em học sinh còn được gặp các bạn búp bê ngôi sao để tìm hiểu về cơ thể, về cách chúng ta được sinh ra và làm thế nào để bảo vệ cơ thể của chúng ta. Với phương pháp giảng dạy trực quan và các ví dụ minh họa rõ ràng, sau khi tham gia chương trình các em đã có thể biết về cách bảo vệ cơ thể.  Từ đó, các em học sinh luyện tập thành thục các kỹ năng đã được học.

Các em học sinh còn được gặp các bạn búp bê ngôi sao để tìm hiểu về cơ thể.

Các em học sinh còn được gặp các bạn búp bê ngôi sao để tìm hiểu về cơ thể.

Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án “Tăng cường hệ thống hỗ trợ và bảo vệ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Hope Letter”. Dự án Hoppe Letter tập trung cung cấp các dịch vụ từ phòng ngừa xâm hại cho trẻ em nói chung tới các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, từ đó, tạo bước tiền đề trong vận động và bàn giao các mô hình giáo dục phòng ngừa hiệu quả cho địa phương.

Chương trình Nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân cho trẻ em (CES) và chương trình Kịch rối phòng ngừa xâm hại trẻ em (GPS) là hai chương trình bản quyền của GNI và được triển khai hàng năm tại các trường dự án.

Tính đến tháng 10/2021, dự án đã triển khai 180 tiết học “Nâng cao năng lực tự bảo vệ bản thân - CES” và 50 buổi diễn “Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em - GPS” với hơn 11.400 học sinh tham gia; hỗ trợ 40 trẻ có hoàn cảnh khó khăn qua Tổng đài 111 - tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với tổng chi phí hơn 245 triệu đồng.

Trong thời gian tới, GNI dự kiến sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 các chương trình CES và Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em (GPS) tại 17 trường tiểu học còn lại trên địa bàn huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa), thành phố Hòa Bình, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội); cũng như phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội) tiếp nhận, hỗ trợ các trường hợp trẻ có hoàn cảnh khó khăn từ Tổng đài 111 - Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em.