Đó là những khuyến nghị chính được đưa ra tại Hội thảo “Định hướng truyền thông về Tháng hành động Vì trẻ em và Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện ngày 25/5, tại Hòa Bình.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng còn nhiều khoảng trống
Tính đến tháng 2/2021, Việt Nam có 72 triệu tài khoản mạng xã hội và 68,72 triệu người dùng Internet (chiếm 70,3% dân số). Do dịch Covid-19, ngày càng có nhiều người, bao gồm cả thanh thiếu niên sử dụng Internet để học tập, làm việc, giao tiếp, giải trí và tiếp cận các dịch vụ. Điều này làm gia tăng rủi ro trực tuyến đối với trẻ em và thanh thiếu niên bao gồm bắt nạt trên mạng và bạo lực mạng trên cơ sở giới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, hiện nay, công tác truyền thông và nhận thức về an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng còn nhiều khoảng trống gây cản trở việc thực hiện quyền trẻ em. Vấn đề trẻ em không còn là vấn đề quyền con người mà còn là vấn đề hội nhập và phát triển kinh tế, nhiều quốc gia sẵn sàng lập rào cản thương mại đối với những nền kinh tế bóc lột và lợi dụng trẻ em.
Luật Trẻ em đã quy định rất rõ trách nghiệm của từng cấp, bộ, ngành, tổ chức trong bảo vệ trẻ. Theo ông Đặng Hoa Nam, truyền thông cần đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các bên liên quan để bảo vệ trẻ em. Truyền thông phải lồng ghép cả hai yếu tố văn hóa và giáo dục để bảo đảm trẻ được thực hiện đầy đủ quyền và bổn phận; không bị phân biệt đối xử. Truyền thông và các cơ quan chức năng cần tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Báo chí và truyền thông cần cung cấp các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em cần có sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình…
Ông Đặng Hoa Nam đặc biệt nhấn mạnh, để bảo đảm truyền thông hiệu quả, cần phối hợp truyền thông trên nhiều kênh, thống nhất nội dung, thông điệp, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông để tới được từng đối tượng.
Cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu
Trao đổi về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết, cách sử dụng mạng Internet của giới trẻ bây giờ rất khác so với thế hệ trước kia, trẻ em thường truy cập vào các trang đích, hội nhóm chứ không lướt News feed như người lớn, chúng hoạt động ẩn mình khiến cho cha mẹ muốn kiểm soát và bảo vệ trẻ trên mạng là hết sức khó khăn. Chính vì thế, báo chí cần cung cấp cho các bậc phụ huynh các kỹ năng giúp trẻ an toàn trên không gian mạng. Thực tế, thời gian qua, một số đơn vị báo chí mải chạy theo các thông tin đem lại nhiều lượt theo dõi/ lượt đọc mà quên đi trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
“Báo chí cũng cần giúp các bậc phụ huynh bài trừ, nhận diện các thông tin, nội dung “rác” trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu tới trẻ em để từ đó lên án, ngăn chặn các hiện tượng này”, nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về trẻ em, nhà báo Nguyễn Ngân, Ban Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết, áp lực đưa tin nhanh, đề tài nóng khiến phóng viên nhiều khi vô tình xâm hại trẻ em thay vì bảo vệ trẻ em. Không ít phóng sự, tác phẩm truyền hình đã vô tình hay cố ý vi phạm quyền riêng tư của trẻ khi đưa tin. Theo nhà báo Nguyễn Ngân, các cơ quan báo chí cần đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, xác định đúng đề tài, chủ đề và đặc biệt cần có phương pháp khai thác thông tin phù hợp, đúng nguyên tắc về bảo vệ trẻ em.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng; chia sẻ về các hoạt động sẽ diễn ra trong Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022; kinh nghiệm truyền thông trong tất cả các loại hình báo chí…
Thông tin thêm tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, dự kiến, Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 sẽ được tổ chức tại TP. Hà Nội, với quy mô lớn và diễn ra trước tháng 6.
Chia sẻ về vấn đề bảo vệ trẻ em, đại diện tổ chức Plan International Việt Nam, ông Đặng Quốc Việt cho biết, Plan International Việt Nam đặt trọng tâm bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trong các môi trường gia đình, nhà trường, nơi công cộng và trên không gian mạng. Nhằm đồng hành với các cơ quan chính phủ triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt, tổ chức Plan International Việt Nam đã làm việc cùng văn phòng Plan International tại Đức huy động ngân sách cho dự án “Bảo vệ Trẻ em và thanh thiếu niên An toàn trên môi trường mạng”. Dự án triển khai từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2024.
Dự án có mục tiêu chính là hỗ trợ thanh thiếu niên từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn và được bảo vệ khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng. Dự kiến sau 3 năm triển khai, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân và những người khác khỏi các hình thức bắt nạt và bạo lực giới trên môi trường mạng cho hơn 9.000 trẻ em, thanh thiếu niên độ tuổi từ 10-18 tuổi, đặc biệt là trẻ em gái và các nhóm dễ bị tổn thương, và cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô, cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp, và người dân tại cộng đồng sử dụng các trang trực tuyến, trang mạng xã hội.