Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh tế của phụ nữ
 
Cuộc sống của chị Hà Thị Ngờ (Thừa Thiên - Huế) bị đảo lộn khi giãn cách xã hội được thực thi nhằm khống chế sự lây lan của Covid-19. Việc bán hàng của chị ở chợ và chạy xe thồ của chồng đều phải dừng lại. Không thu nhập, chị buộc phải vay tiền để mua lương thực cho gia đình: “Không đi làm thì biết lấy gì mà trả tiền vay? Còn mấy đứa trẻ nữa, tương lai của chúng thế nào?”. Đã nhiều đêm, chị Ngờ trằn trọc trước viễn cảnh 4 đứa con phải bỏ học để ra đường lượm ve chai kiếm sống như bố mẹ chúng trước đây.
 
Trong đại dịch Covid-19, những người như chị Ngờ và gia đình, cùng các nhóm người yếu thế trong xã hội khác như người lao động có thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo và cận nghèo phải chịu nhiều ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Cuộc sống thường ngày vốn bấp bênh, nay lại càng bấp bênh hơn khi nhiều người mất việc làm, không có bảo hiểm y tế cũng như nguồn thu nhập thay thế.
 
Ông Chang Hee - Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết: Bốn lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất trong đại dịch Covid-19 là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỷ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%. 


Cần tạo điều kiện cho phụ nữ trong sản xuất và kinh doanh. Ảnh: Thu Cúc 
 
Phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số hai triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình).
 
Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), sự bất bình đẳng về giới và xã hội vốn đã hiện hữu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước đại dịch Covid-19 nay càng trầm trọng thêm, khiến cho tình hình khó khăn của nhiều phụ nữ và trẻ em gái trở nên tồi tệ.
 
“Châu Á và Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực chịu nhiều thảm họa thiên tai nhất trên thế giới. Tác động về giới của các thảm họa bên lề trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể được dự đoán. Ví dụ, tình trạng hạn hán ở sông Mê Kông kết hợp với nhu cầu vệ sinh ngày càng tăng như rửa tay để phòng chống dịch bệnh có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể của gánh nặng công việc chăm sóc không lương của phụ nữ - những người có trách nhiệm chính trong việc lấy nước sử dụng cho gia đình”, ông Mohammad Naciri, Giám đốc UN Women khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, cho biết.
 
Trao quyền kinh tế cho phụ nữ
 
Vào tháng 3/2017, tổ chức ChildFund tiến hành một cuộc khảo sát với 12 nhóm ở Hòa Bình, Cao Bằng và Bắc Kạn về vấn đề bình đẳng giới và trao quyền kinh tế. Kết quả chỉ ra rằng, phần lớn người được hỏi, không kể giới tính, đều có rất ít nhận thức và hiểu biết về bình đẳng giới cũng như các luật và chính sách bảo vệ quyền phụ nữ. Trong khi đàn ông là người có tiếng nói chủ chốt trong các vấn đề liên quan tới thu nhập, thì phụ nữ lại chịu lép vế và đảm nhận các công việc chăm sóc, dọn dẹp trong gia đình. 
 
Đầu tư vào trao quyền kinh tế cho phụ nữ mở ra con đường dẫn tới bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế toàn diện. Phụ nữ luôn có những đóng góp to lớn đối với nền kinh tế, dù làm kinh doanh hay nông nghiệp, dù là nhà quản lý hay người lao động, và ngay cả khi làm những công việc chăm sóc không lương tại nhà.
 
Theo Báo cáo khoảng cách toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65 và đứng thứ 7 tại khu vực châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Để có được những thành tựu trên, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực triển khai chính sách pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm. Cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48,48%.


Tuyên truyền nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Ảnh: Q. Lam

 Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo đã và đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm. Báo cáo kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến cuối tháng 1/2020 cho thấy riêng hoạt động cho vay ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trên 2,522 triệu thành viên tham gia với số dư hơn 80.435 tỷ đồng đứng đầu cả về số thành viên và dư nợ trong 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 4.636 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tiền gửi cao nhất trong 4 tổ chức chính trị - xã hội, điều đó cho thấy chị em đã có nguồn tích lũy phục vụ cho nhu cầu tài chính gia đình cũng như tái đầu tư phát triển kinh tế. 

Tuy nhiên, việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Lao động nữ thường làm trong những lĩnh vực có chuyên môn không cao, nhất là dệt may, da giầy, dịch vụ với tỉ lệ 70% lao động trong ngành. Lao động nữ trong khu vực phi chính thức cũng chiếm tỉ lệ khá cao: 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương, 41,1% lao động nữ làm công việc giản đơn, 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ thế, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công, có hưởng lương thấp hơn so với lao động nam...
 
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra nhấn mạnh: “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước xóa bỏ hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện...”
 
Theo các chuyên gia, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, cần rà soát lại một số chính sách và chương trình liên quan đến quyền năng kinh tế và quyền làm chủ của phụ nữ cũng như các quyền bình đẳng tại nơi làm việc ở khu vực chính thức và phi chính thức. Đồng thời, xác định vai trò và trách nhiệm của chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân trong định hình và tác động đến thế giới việc làm và quá trình trao quyền cho phụ nữ.
 
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng, phụ nữ phải không ngừng học tập, nâng cao năng lực, nắm bắt được pháp luật, hiểu biết được các kênh và tham gia các hiệp hội để được chia sẻ và bảo vệ. Đối với phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ nghèo thì cần hỗ trợ giảm lãi suất, vốn vay… 
 

Châu Anh/GĐTE