Tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ quận Hoàn Kiếm cho biết, kỷ niệm 11 năm ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay Liên Hợp Quốc lựa chọn chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
Theo đó, tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái trong một thời kỳ nhất định, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 – 106 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Ở Việt Nam, theo số liệu của Tổng điều tra dân số 2019, tỷ số này đã vượt mức sinh học bình thường và đang ở ngưỡng đáng báo động là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái, chỉ thấp hơn Trung quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Riêng tại Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh năm 2010 là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, giảm dần qua các năm: Năm 2019 giảm xuống 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái; 9 tháng đầu năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh toàn thành phố là 112,7 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm 2022 không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm.
Tại quận Hoàn Kiếm, tỷ số giới tính khi sinh năm 2018: 105,2 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2019 là 108 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2020 là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2021 là 119 trẻ trai/100 trẻ gái. Đến thời điểm cuối tháng 9/2022 tỷ số này của quận là 119 trẻ trai/100 trẻ gái; trong đó các phường có tỷ số giới sinh cao gồm: Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Hàng Bồ, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Chương Dương, Phúc Tân, Hàng Đào.
“Với thực trạng này, nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 triệu đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng như: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình; có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 208 về triển khai kiểm soát MCBGTKS của TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2025; trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Cùng với đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Kế hoạch kiểm soát MCBGTKS ngay từ đầu năm 2022 với mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh của quận ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
Ông Hoàn cho biết: Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 và Ngày Quốc tế NCT Việt Nam năm 2022, Chi cục Dân số-KHHGĐ TP Hà Nội đã phối hợp Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ một số đơn vị: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng ngày Quốc tế trẻ em gái. Tại quận Hoàn kiếm, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ quận và 18 phường đã tổ chức 18 buổi truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái tại địa bàn 18 phường như cấp phát tờ rơi, sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, MCBGTKS…
Để hưởng ứng kỷ niệm ngày Quốc tế trẻ em gái với chủ đề “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu MCBGTKS”. Ban chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ quận Hoàn Kiếm đề nghị sự quan tâm, hỗ trợ, vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể quận và phường, đặc biệt là nhân dân đang sinh sống trên địa bàn quận tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi, qua đó triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2020-2025, Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2020-2025.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm:
Mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới, ưa thích con trai. Thái độ xem thường giá trị của phụ nữ đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa, tư tưởng truyền thống lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.