Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nắng cuối chiều…

 
Ảnh minh họa
 
1. Chiều đã nhạt, cái bóng nắng xuyên qua viên ngói vỡ nãy giờ nhảy nhót mãi trên bức tường dán đầy giấy khen của con bé Thóc cũng đã trốn biệt. Tiếng vợ chồng cặp chim ríu ran cả hồi chiều cũng đã lặng, chắc đôi chim đã rủ nhau về cái tổ ấm bên mái hiên sau nhà.
 
Chị bồn chồn hết đứng lại ngồi, ra ngóng trước hè lại vào nhà… Quái lạ, sao con bé về muộn thế nhỉ? Chị lẩm bẩm, cái tay khèo quặt thấm đẫm màu bùn quờ quạng kéo vạt áo lau tấm ảnh con bé quàng khăn đỏ nhận giải thưởng học sinh xuất sắc dán trên bức vách. Trong ảnh, con bé cười tươi thế. Cha bố cái miệng cứ như đương gọi “Bu ơi”… Bao ký ức chợt ùa về.
 
Mười tám tuổi, cô thôn nữ mạnh khỏe như bông lúa, xung phong đi công nhân cầu đường. Cuộc sống vất vả nơi công trường khi đến là rừng, khi đi là đường của chị em “phu lục lộ” không ngăn nổi tiếng hát ,tiếng cười, vô tư và trong trẻo. Trong một lần nghỉ phép về quê, khi ra đồng thăm lúa, chị bị tai nạn xe máy. Tai nạn xảy ra không phải lúc đang lao động nên cũng chẳng có hỗ trợ gì. Tiếng hát tắt lặng, khi chị nhận ra - từ nay, mình sẽ là một người phụ nữ khuyết tật. Chị âm thầm nghĩ rằng mình sẽ ở vậy cho đến già, cho đến một ngày mà chị muốn quên đi, xóa nó đi mãi mãi… Trước sự xầm xì của làng xóm mà nhiều lần chính cha mẹ chị thở dài bảo: “Thôi bỏ nó đi, mình què quặt đã vậy, đẻ đái, nuôi nấng nhọc nhằn lắm con ơi”.
 
Cái sinh linh bé bỏng trong bụng chị như đang khóc nấc lên: “Mẹ ơi, con không có tội…”. Hỡi ôi: Thương mẹ vừa làm mẹ, vừa làm cha nên ngay từ khi sinh ra, con bé Thóc cứ một ăn một lớn. Bé tí nó đã biết giúp mẹ trông con gà không vào phá vườn rau, biết quét cái sân, cái cổng. Cái chân nó lẫm chẫm chưa trèo lên được dốc đồi nên ngoan ngoãn trên lưng mẹ đến lớp. Mỗi một năm, nó lại góp lên mảng tường cũ một tấm giấy khen mới tinh làm sáng bừng cả khuôn mặt mẹ khắc khổ. Ngôi nhà lá đơn côi bên xóm đồi ấm áp hơn khi có tiếng trẻ bi bô học bài mỗi sớm mai.
 
 
Ảnh minh họa
 
2. Vậy mà năm nó đỗ được vào học cấp III, cầm tấm giấy nhập học, nó giấu lên vách, không nói, lẳng lặng dắt con trâu ra đồng, cho đến khi người ta bảo chị: Rõ nhà chị có “hậu” nhé, cả làng có mấy đứa như con chị được vào học cấp ba trên huyện đâu.
 
Nó muốn bỏ học, đi làm phụ giúp mẹ để báo ơn. Tim chị như thắt lại: Con ơi, dù có phải “ăn mót đầu khoai”, mẹ cũng phải cho con đi học. Con không đi học là con phụ mẹ, con để người đời khinh mẹ gấp hai lần…
 
Người làng, sáng sớm tinh mơ đã thấy con bé đỏ đèn vừa học bài vừa thổi cơm đỡ mẹ. Chiều học về, nó hối hả dựng cái xe bên liếp cửa rồi vội ra đồng dắt trâu… Cứ ngỡ ở hiền gặp lành mà nào ngờ năm ngoái, suýt chút nữa cái Thóc “bỏ” chị mà đi. Đận ấy, cái Thóc đi làm đồng về, bỏ cơm, nằm sốt mê man. Chị cứ ngỡ là nó ham làm nên cảm nắng, cũng chỉ dịt cái lá cho mát. Nào ngờ, nó sốt ghê hơn, khắp người nổi quầng đỏ. Đưa ra viện, bác sĩ bảo sốt phát ban rồi cho thuốc. Hai mẹ con dắt nhau về, nhưng càng uống lại càng sốt. Ông y tá làng “phán” là nó sốt virus, phải truyền dịch… Khổ thân con bé, gái mười lawm mà ốm sốt làm nó gầy gò cứ như đứa trẻ lên mười. Cô em gái chị lấy chồng làng xa, nghe tin cháu ốm hối hả về đưa cháu vào viện. Người ta khám cho con bé như đảo miếng sắn khô rồi quát bảo: “Nó sốt virus phát ban chứ việc gì đâu mà nhặng cả lên”. Chị em bìu díu ôm nhau khóc, cô bác sĩ trẻ thấy mẹ què bế con thơ nên thương hại, lén kéo chị ra ngoài bảo: Chị ơi, cháu nó bị bệnh gì đấy, không phải sốt phát ban đâu, chị mau cho cháu lên tuyến trên đi. 
 
Lên Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ nói cháu nó bị bệnh Lupus ban đỏ rối loạn hệ thống, để chậm 1 ngày nữa thì chết, vì gan sưng, phổi nề, suy tim và thiếu máu rồi… Thóc ơi, nhà một mẹ, một con mà con định bỏ mẹ mà đi sao?! Nhà có con trâu là đầu cơ nghiệp, nhưng chuyến này, vì con, mẹ cũng quyết bán.
 
Hồi ấy, ngôi nhà chị dẫu có thắp đèn giữa ban ngày cũng chẳng bói ra lấy đồng bạc lẻ. Ngôi nhà vắng mặc gió lùa với đám cỏ dại mọc xanh bên thềm. Cho đến một ngày, chị đang quét đám hoa xoan rụng trước sân và nghĩ miên man thì dòng suy tưởng của chị chợt bị cắt ngang khi con cún mừng quýnh lên nghe tiếng xe đạp quen thuộc lạch xạch dắt lên dốc đồi, con Thóc về đấy, của để dành của chị đã về…
 
Chiều muộn thế, bỗng hửng ráng phía cuối chân trời.
 
Với những người phụ nữ bình thường, làm mẹ đơn thân đã nhọc nhằn muôn phần, thì với những người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt, cuộc sống là chuỗi ngày nước mắt chảy ngược, để vừa làm mẹ, vừa làm cha mà nuôi dạy con khôn lớn.

Linh Hương/TC GĐ&TE