Chủ tịch Quốc hội chứng kiến Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yunmo
Bản ghi nhớ đã được hai Bộ trưởng ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên đoàn chính thức tháp tùng Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc.
Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc trong nỗ lực đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020 mà Lãnh đạo cấp cao hai bên đã đề ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 11 năm 2017.
Chương trình hành động này vạch ra những hoạt động hợp tác hết sức cụ thể giữa hai Bên từ nay đến năm 2020, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành linh kiện – phụ tùng, ô tô, dệt may và da giầy, điện tử; tạo thuận lợi thương mại cho thương mại nông sản thông qua việc thành lập nhóm công tác bốn bên giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại, Công nghiệp, Năng lượng Hàn Quốc và các Bộ liên quan của hai Bên; đào tạo nâng cao năng lực hoạch định chính sách thương mại cho cán bộ của Việt Nam cũng như đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chuyên gia và lao động kỹ thuật của Việt Nam trong các ngành công nghiệp cơ bản…
Cùng ngày, Phiên họp giữa kỳ Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, năng lượng, công nghiệp và thương mại cũng đã diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Yun-mo Sung.
Tại phiên họp, hai Bên đã rà soát tình hình hợp tác song phương kể từ kỳ họp lần thứ 8 UBHH Việt Nam – Hàn Quốc tháng 02 năm 2018 và hài lòng nhận thấy hầu hết các nội dung cam kết trong biên bản kỳ họp lần thứ 8 UBHH đều đã được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Các kết quả đáng chú ý bao gồm:
Về khuôn khổ pháp lý, hai Bộ đã thống nhất và hoàn thành ký kết MOU về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, MOU hợp tác trong lĩnh vực ô tô, MOU về hợp tác trong lĩnh vực dệt may và da giày, MOU hợp tác trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, MOU hợp tác trong lĩnh vực điện lực, MOU hợp tác về phòng vệ thương mại, MOU hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, MOU về chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng.
Về đào tạo, riêng trong năm 2018, MOTIE đã hỗ trợ thực hiện hơn 20 khóa đào tạo cho Việt Nam gồm các khóa đào tạo về chính sách thương mại, về phân phối bán lẻ, về kỹ năng quản lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, về kỹ thuật sản xuất trong lĩnh vực: ô tô, cơ khí/kim loại, điện/điện tử, dệt may…
Trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, Hàn Quốc đã hoàn thành và chuyển giao dự án Vườn ươm công nghệ cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ; phê duyệt kinh phí ODA cho dự án Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK); phối hợp với Bộ Công Thương điều tra, sơ bộ đánh giá được nhu cầu cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các công ty Hàn Quốc lớn tại Việt Nam; lập danh sách các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; khảo sát tìm kiếm, lập danh sách doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục trên để phục vụ hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực: điện tử, ô tô để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực hợp tác thiết kế, hai Bên đã hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam – Hàn Quốc tại Hà Nội. Dự án có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực thiết kế kiểu dáng, mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của thị trường Hàn Quốc cũng như các thị trường xuất khẩu khó tính khác.
Để đẩy mạnh hợp tác thương mại, công nghiệp, năng lượng trong thời gian tới, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhất trí nguyên tắc chung, đó là: Chính phủ hai bên cần hoàn thiện chính sách, thể chế, môi trường kinh doanh; củng cố cơ chế hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trở thành thành tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thương mại hai nước; cần nghiên cứu phát triển những lĩnh vực mới trong thương mại, công nghiệp và năng lượng.
Đối với các biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới, hai Bộ trưởng nhất trí:
- Nhanh chóng thúc đẩy, đưa dự án VITASK sớm đi vào hoạt động. Đây là dự án mà Bộ Công Thương và Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và kỳ vọng với mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như hỗ trợ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, kiểm định sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
- Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam trong các lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, sản xuất máy móc, thiết bị, linh kiện, hàng tiêu dùng, vv…trong đó đặc biệt là xây dựng các trung tâm công nghiệp lớn về chế biến chế tạo thiết bị điện, thiết bị vận tải, giao thông, gắn với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, sản xuất các thiết bị năng lượng như tua bin khí, tua bin điện gió, các panel điện mặt trời, các hệ thống năng lượng sạch khác mà Hàn Quốc có thế mạnh.
- Đồng tình về quan điểm Việt Nam cần quan tâm đến năng lượng tái tạo trong việc phát triển nền kinh tế. Đây là lĩnh vực mới Chính phủ Hàn Quốc đang nghiên cứu, tuy nhiên phía Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, năng lực về phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, lưới điện thông minh; Tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mà nhà đầu tư Hàn Quốc đang tham gia tại Việt Nam.
- Hỗ trợ tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Phía Việt Nam đề nghị Hàn Quốc sớm xem xét cho phép các sản phẩm thịt chế biến từ lợn, gà của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư sản xuất các sản phẩm thịt chế biến để phục vụ thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Hàn Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất quy trình phân tích rủi ro, sớm cấp phép nhập khẩu cho quả vú sữa của Việt Nam, tiến tới là quả bưởi, chôm chôm, vải, nhãn. Phía Hàn Quốc quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết về nông thủy sản trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, theo đó trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc thì hai bên cần nhanh chóng trao đổi thông tin và xử lý kịp thời.
- Nhất trí việc cần áp dụng công nghệ 4.0, công nghệ mới vào các ngành công nghiệp đã có để nâng cao giá trị gia tăng và tạo ra những ngành công nghiệp mới, phát triển kinh tế đất nước. Phía Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ thông tin, các sáng kiến mới trong lĩnh vực này.
- Mong muốn tận dụng hiệu quả các kênh hợp tác thông qua các tiểu ban thương mại, công nghiệp và năng lượng của Ủy ban hỗn hợp về điện hạt nhân, công nghiệp, năng lượng và thương mại Việt Nam-Hàn Quốc. Kỳ họp lần thứ 9 của Ủy ban hỗn hợp dự kiến được thực hiện vào quý I/2019.
Các hoạt động song phương của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Hàn Quốc đã kết thúc tốt đẹp với nhiều nội dung thiết thực, quan trọng đóng góp vào kết quả chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.