Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nâng mức cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Nghị định có hiệu lực từ ngày 8/11/2019.

Nâng mức vay tối đa lên gấp đôi

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động.

Nội dung Nghị định nêu rõ, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Thời hạn vay vốn cũng được tăng từ không quá 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Trước đó, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

Về điều kiện bảo đảm tiền vay, Nghị định 74/2019/NĐ-CP quy định đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Về lãi suất vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động, Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.

Ngoài ra, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi một số nội dung khác liên quan đến điều kiện bảo đảm tiền vay đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Nâng mức cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm lên 2 tỷ đồng/dự án - Ảnh 1.

Mô hình nghề bó chổi ở Phú Yên thành công nhờ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm

885 nghìn lao động đã được hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 31/5/2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 16.999 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 4.511 tỷ đồng, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động là 4.010 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội là 8.478 tỷ đồng. Doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 5/2019 đạt 24.459 tỷ đồng, với gần 800 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 885 nghìn lao động; doanh số thu nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 13.857 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đến ngày 31/5/2019 là 16.860 tỷ đồng, với hơn 523 nghìn khách hàng đang còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 32 triệu đồng/lao động. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm đều qua các năm. Đến ngày 31/5/2019, nợ quá hạn là 49,1 tỷ đồng, giảm 12 tỷ đồng so với đầu năm 2015, chiếm tỷ lệ 0,29% trên tổng dư nợ của chương trình. Nợ khoanh là 27,9 tỷ đồng, giảm 6 tỷ đồng so với đầu năm 2015, chiếm tỷ lệ 0,17% trên tổng dư nợ của chương trình.

Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ năm 2015 đến ngày 31/5/2019, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo việc làm cho 552 nghìn lao động nữ, 40 nghìn lao động là người khuyết tật và 77 nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.

Nhiều mô hình cho vay hiệu quả từ Quỹ quốc gia về việc làm như mô hình khôi phục làng nghề truyền thống như làng nghề bó chổi thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư như mô hình kinh tế nông trại câu lạc bộ Nông trang xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh; mô hình tổ tiết kiệm & vay vốn của Hội phụ nữ Đông Thịnh, phường Đồng Tâm, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; tổ tiết kiệm & vay vốn khối 9 phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn;…đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tạo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình họ…