Đề xuất đưa 4,4 triệu em từ 16 - 18 tuổi vào tuổi trẻ em
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dân số trong độ tuổi 0 - 16 hiện nay là 26 triệu, chiếm 29,06%. Dân số trong độ tuổi từ 16 - 18 là 4.385.472 chiếm 4,9%. Nếu tăng tuổi trẻ em đến dưới 18, dân số trẻ em là 30.384.585, chiếm 34% dân số. Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, việc tăng tỷ lệ dân số trẻ em không làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống chính sách và nguồn ngân sách cho y tế, giáo dục, văn hóa, trợ giúp xã hội hiện nay vì hầu hết các chính sách cho người chưa thành niên đều đã được tiếp cận và hoạch định theo độ tuổi và bậc học. Thực tế hiện nay, chính sách vẫn được chia theo các nhóm tuổi khác nhau. Ví dụ, Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, không thu học phí ở bậc tiểu học. Để tránh áp lực gia tăng ngân sách khi Luật được ban hành, dự thảo quy định chính sách Nhà nước được thực hiện có lộ trình từng bước gia tăng mức độ đầu tư, mở rộng dần đối tượng, độ tuổi để trẻ em và căn cứ vào mức độ phát triển kinh tế- xã hội đối với các chính sách đảm bảo các quyền của trẻ em.
Hiện có 46 tỉnh đề nghị nâng lên dưới 18, có 1 tỉnh đề nghị giữ nguyên như cũ, 16 tỉnh chưa có ý kiến; 12 bộ, ngành có báo cáo tổng kết Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều nhất trí nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18. Qua thăm dò ý kiến trẻ em, có 53,5% trẻ em muốn tuổi trẻ em được nâng lên đến dưới 18.
Trẻ em từ 14 – 18 tuổi chưa có nhiều chính sách giáo dục về nhân cách
Nhiều người cho rằng, những vụ việc vi phạm pháp luật, vụ án nghiêm trọng do người dưới 18 tuổi gây ra đã gia tăng trong thời gian qua. Nếu nâng độ tuổi xác định trẻ em lên 18 như đề xuất trên thì thống kê số trẻ em phạm tội sẽ tăng lên. Theo Ths Nguyễn Linh Giang, Trưởng phòng Nghiên cứu Quyền con người (Viện Nhà nước – Pháp luật): trẻ em phạm tội luôn là vấn đề gây đau đầu trong mọi xã hội. Tuy nhiên, phải nhìn nhận vấn đề này từ góc độ nguyên nhân gây ra hành vi phạm tội, chứ không phải từ góc độ hình phạt. Thông thường, trẻ em phạm tội thường xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến gia đình như bạo hành gia đình, sống xa cha mẹ, cha mẹ li hôn, cha mẹ không quan tâm, áp lực kinh tế khiến trẻ bỏ học đi làm sớm. Hoặc từ nguyên nhân của nhà trường và xã hội như bạo lực học đường, chất lượng giáo dục đạo đức, nhân cách, trẻ em là nạn nhân của các vi phạm pháp luật bên ngoài xã hội... Không phải cứ quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp, tăng nặng các hình phạt thì tỉ lệ trẻ em gây ra các vụ án nghiêm trọng sẽ giảm. Cần phải giải quyết bằng cách phòng ngừa và xử lý các vấn đề gây ra tình trạng phạm tội ở trẻ em như hỗ trợ các gia đình có nguy cơ cao, tăng cường vai trò của nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục về nhân cách, đạo đức, xây dựng lòng tin, sự tôn trọng của người lớn đối với trẻ em... Xu thế hiện nay của thế giới không chỉ là tăng độ tuổi của trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn là giảm hình sự hóa các hành vi của trẻ em. Công ước Quyền trẻ em luôn yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng và thực thi các chính sách tư pháp chưa thành niên toàn diện để ngăn ngừa và giải quyết việc phạm tội của trẻ em trên cơ sở phù hợp với quy định của Công ước. Công ước khuyến khích áp dụng các biện pháp thay thế để xử lý người chưa thành niên phạm tội mà không sử dụng đến quá trình tố tụng hình sự.
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, việc nâng độ tuổi trẻ em chỉ phản ánh thực tế rằng, những người chưa thành niên dưới 18 tuổi do chưa trưởng thành đầy đủ và trọn vẹn có quyền được Nhà nước chăm sóc và bảo vệ đặc biệt. Trẻ em phải chịu trách nhiệm hình sự từ tuổi 14, nhưng được hưởng sự bảo vệ đặc biệt cho trẻ em trong quá trình tố tụng cho đến khi 18 tuổi. Trẻ em có thể có khả năng tham gia lao động khi 15 tuổi, nhưng phải được bảo vệ khỏi các công việc độc hại, bóc lột hoặc có hại cho đến khi 18 tuổi. Vấn đề xã hội của trẻ em và người chưa thành niên cũng có diễn biến phức tạp hơn trong những năm gần đây, trong đó tình trạng trẻ em và vị thành niên vi phạm pháp luật thường rơi vào độ tuổi 14 đến 18. Độ tuổi này chưa có nhiều chính sách bảo vệ, giáo dục về đạo đức, nhân cách.