Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Náo nức chọi gà ngày xuân

 
Chọi gà mang lại nhiều niềm vui cho mọi người.
 
Đấu trường nảy lửa
 
Đấu trường để chọi gà là một bãi cỏ xanh hay giữa sân đình làng. Người xem đứng vòng trong vòng ngoài bàn tán rôm rả, khiến không khí bắt đầu nóng lên. Trước trận đấu, hai ông chủ gà vuốt ve, chăm sóc những “cục cưng” của mình một cách kĩ lưỡng. Những chú gà chọi cao lớn, cổ dài, toàn thân đỏ au, cựa và mỏ cứng như thép, lớp lông cánh đen ánh xanh hay điểm những chiếc lông trắng trông thật đẹp và hùng dũng. Vào trận, hai chú chọi xông vào nhau như tên bắn và những miếng đòn đá “song cước”, “vảy xiên đao”, “lưỡng ngọc song long”... được các chú tung ra dồn dập, khiến mọi người bị cuốn hút. Họ la hét, cổ vũ không ngừng làm các chú gà càng hăng máu. Trước một cú ra đòn đẹp của đôi bên, tất cả cùng ồ lên thích thú. Chú gà nào khỏe, có những miếng lừa khôn khéo, làm hao tổn sức lực đối phương, có thể đá bục diều hoặc làm bị thương nặng địch thủ khiến nó bỏ chạy, hoặc gục xuống không thể tiếp tục thi đấu, là chú gà chiến thắng. Người chủ gà lúc ấy vô cùng hãnh diện trước lời khen ngợi trầm trồ của dân làng và khách thập phương. 
 
Tuy giải thưởng chỉ có tính chất tượng trưng, không có giá trị về mặt vật chất, nhưng nhiều khi trận đấu giữa gà của làng nọ với gà làng kia như là một cuộc “quyết chiến”, để bảo vệ danh dự của một dòng họ, thậm chí của một làng. Đã có những chú gà vô địch được ông chủ của mình nâng niu và dân làng phong “tước” “Kê Vương”, “Linh Vương”... Điều này đủ thấy chúng cũng được trân trọng đến thế nào.
 
 
Anh Đỗ Văn Lập ở Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên bên chú gà cưng của mình.
 
Thú chơi cũng lắm công phu
 
Ngày xưa, Hải Dương là tỉnh có phong trào nuôi gà chọi và có nhiều chú gà nổi danh. Trong chiến tranh, thú chơi chọi gà có phần mai một, nhưng hiện nay, nó phát triển trở lại và lan rộng ra các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng... Trong các chợ buôn gà chọi lớn phải kể tới chợ Phùng ở Sơn Tây (Hà Nôi), chợ Xốm (Hải Phòng). Dân nghiền nuôi và chơi gà chọi tới chợ Xốm lúc nào cũng tìm được “hàng độc” với những chú gà thiện chiến tốt nhất của khắp mọi miền đất nước tụ về đây.  
 
Không biết trò chơi chọi gà có từ bao giờ, nhưng đó là một thú chơi đòi hỏi người chơi phải có niềm đam mê và lắm công phu. Những người đã chót lao vào, thường nghiện chọi gà như một thứ “ma túy” không thể cai được. Theo anh Đỗ Văn Lập ở Đông Kết, Khoái Châu, Hưng Yên, những chú gà được nuôi để thi đấu, được người chủ huấn luyện rất công phu. Họ chăm sóc và nâng niu những chú gà của mình như chăm con trẻ, từ cho ăn, uống... đến cắt tỉa lông cho chúng mỗi năm. Muốn gà chọi khỏe và “máu chiến” cũng phải có kỹ thuật chăm sóc trong từng giai đoạn. Để xương gà cứng, cơ săn chắc phải cho gà ăn thóc đãi đã ngâm qua nước tiểu trẻ em. Ngoài ra, còn phải theo dõi xem chúng có bệnh tật gì không và tẩm bổ cho chúng bằng cá, lươn, trạch, uống thêm vitamin B1... Những con gà anh nuôi thường rất kiêu hùng, đẹp mã, có làn da dày là nhờ anh đun nóng lá ngải đen với một số thảo dược đến khoảng hơn 70oC, sau đó ủ vào khăn đắp lên da gà. Gà được 1 năm tuổi bắt đầu luyện cho thi đấu theo “hồ” (mỗi hồ là 15 phút). Đầu tiên, bịt mắt hai con gà cho một con trong lồng, một con ở ngoài lồng. Con ở ngoài lồng nghe tiếng của đối phương sẽ chạy tới mổ con trong lồng, con trong lồng cũng mổ lại. Lúc này, người chủ sẽ cho gà đấu khoảng 3 hồ, rồi sau đó sẽ tăng dần lên tới 10 hồ. Tới khi cả hai con thành thục là có thể cho đi thi đấu với gà các nơi khác. Luyện gà đòi hỏi công phu như vậy, nhưng gà chỉ thi đấu được từ 3 - 5 năm, sau đó lại phải luyện lứa khác. Trong đời, anh Lập đã nhiều lần ôm gà đi chọi và chiến thắng vẻ vang. Anh coi đó là những kỉ niệm đẹp nhất của đời mình. 
 
Một người cũng “say” gà chọi đó là anh Sơn ở Canh (Hà Nội). Anh kể rằng, đời mình đã luyện được những con gà có cú “hồi mã thương” tuyệt vời. Trong khi đấu, gà của anh đang chống trả quyết liệt những cú đá của đối thủ thì giả vờ thua chạy. Con kia hăng máu đuổi theo, bất ngờ nó quay ngoắt lại tung cựa đá xoáy vào chỗ hõm cổ đối phương, làm đối phương giãy đành đạch trên sân đấu. Để có được con gà quý ấy, anh đã phải lựa chọn giống gà chọi rất kĩ càng. Ngoài quan sát toàn thân gà xem thần thái có “uy” hay không, còn phải xem từ màu mắt, lông, cánh, cổ, lườn tới hai bộ phận quan trọng nhất là mỏ và chân. Nếu gà có mỏ khít nhau, trên lớn dưới nhỏ, chân gà có vẩy đều với mấy loại cựa xương, cựa da (nếu được con gà cựa cứng như thép chỉ thẳng xuống đất (cựa chỉ)) là gà tốt, đủ tiêu chuẩn tham chiến. Theo anh Sơn, những con gà quý thường gắn bó với chủ mình. Không bao giờ họ bán chúng, thậm chí nếu gà chết cũng không ăn thịt mà mang chôn. 
 
Trong ngày xuân, trò chọi gà lành mạnh sẽ góp phần làm phong phú thêm các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.  

Thùy Dương/Tạp chí GĐ&TE