Mình thấy chị bạn người miền Trung chỉ rửa sạch củ nghệ, không gọt vỏ rồi bỏ vào cối giã dập. Nếu phải gọt vỏ nghệ thì bạn đeo bao tay hoặc dùng muỗng để cạo vỏ sẽ giảm nguy cơ bị nghệ dính vào móng tay và bàn tay.
Nếu không may nghệ dính vào tay thì bạn làm theo cách sau (hơi tốn thời gian một xíu) nhưng đảm bảo sẽ tẩy sạch được vết nghệ.
Đầu tiên, ngâm và cọ xát tay trong dung dịch nước đường ấm với tỷ lệ đường và nước là 1:1 khoảng 2 phút.
Sau đó, ngâm tay trong dung dịch với 2 thìa baking soda và nước cốt chanh (1 trái). Ngâm tay và kì cọ trong 5 phút. Lúc này, các vết vàng trên đầu móng tay và bàn tay đã mờ đi nhiều. Chanh có tác dụng tẩy rửa vết bẩn rất tốt, bạn có thể dùng chanh xát lên móng tay.
Nếu những vết vàng vẫn còn cứng đầu, thì bạn pha hỗn hợp nước cốt chanh + đường và ít thuốc tẩy quần áo. Ưu điểm của phương pháp này là màu vàng nhanh ra cực kỳ. Nhược điểm là hại da tay và có mùi hôi của thuốc tẩy.
Một số người đã thử cách bôi kem đánh răng và dùng bàn chải chà trên bề mặt da. Tuy nhiên, cách này thì rát da lắm đấy!
Nếu nghệ dính trên dao, thớt, máy xay sinh tố và mặt bàn bếp thì sao?
Một số người đã thành công trong việc dùng bột giặt để tẩy sạch vết nghệ trên dụng cụ bếp. Nhưng bạn phải thật sự cẩn thận để rửa sạch các dụng cụ này bằng nước ấm nhiều lần và phơi nắng vì đây là những dụng cụ dùng để sơ chế thực phẩm.
An toàn hơn thì bạn nên dùng những hóa chất liên quan đến thực phẩm và rửa sạch nhiều lần bằng nước ấm.
Bạn cũng có thể thử rửa sạch đồ bếp dính màu vàng của nghệ với những hỗn hợp sau:
- Hỗn hợp chanh và baking soda.
- Hỗn hợp giấm và chanh.
- Hỗn hợp đường + nước và chanh.
Đối với thớt hoặc bộ chày cối gỗ thì bạn nên dùng một loại chuyên biệt dành cho nghệ. Tẩy rửa các dụng cụ gỗ không thật sự cần thiết vì gỗ sẽ bị ăn mòn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe nếu không rửa sạch. Luôn nhớ gỗ ngâm nước xong cần phơi nắng để tránh ẩm mốc bạn nhé!
Theo Pháp luật và bạn đọc/GiadinhNet