Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc
Trong khuôn khổ Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN 2016 - 2020, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì thực hiện nghiên cứu mang tên: “Nghiên cứu khu vực về bản chất thay đổi của quan hệ việc làm dưới tác động của việc sử dụng CNTT và sự phù hợp của pháp luật trong việc điều chỉnh quan hệ việc làm”.
Để đánh giá nghiên cứu này, với sự hỗ trợ của Quỹ Hợp tác ASEAN, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo cùng tên, diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/7 tại Hà Nội.
Công nghệ đang thay đổi bản chất của việc làm
Hội thảo có sự tham dự đông đảo của đại diện trong nước và quốc tế đến từ Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Lao động (SLOM); Ban thư ký ASEAN; Tư vấn dự án của Mạng lưới JustJobs; Hội đồng Công đoàn ASEAN (ATUC); Hiệp hội người sử dụng lao động ASEAN (AEC); Mạng lưới CSR ASEAN và các cơ quan liên quan tại Việt Nam.
Mục đích của Hội thảo nhằm tạo cơ hội cho đại diện kênh lao động các nước thành viên ASEAN và các cơ quan, tổ chức quốc tế có liên quan đánh giá lại các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị đề xuất trong dự thảo Báo cáo cũng như thảo luận các bước đi tiếp theo trong nghiên cứu.
Bước sang thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến những bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, internet, tự động hóa, phát triển dựa trên tri thức và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ mới đang và sẽ mang đến những tiến bộ vượt bậc về năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, công nghệ đang thay đổi bản chất của việc làm, một số công việc bị mất đi và một số công việc mới được ra đời.
Theo đó, việc tái cấu trúc lại thị trường lao động đang tác động tới người lao động và làm thay đổi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như vai trò của Nhà nước trong việc quản lý những thay đổi này.
Hội thảo có 8 phiên họp diễn ra trong 2 ngày
Đánh giá về tác động này, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, công việc dựa trên nền tảng công nghệ đã mang lại những cơ hội lớn cho người lao động tự thân, lao động làm việc bán thời gian và lao động tự do. Người lao động có quyền chủ động và linh hoạt trong công việc của mình.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, bố trí công việc theo hình thức này ảnh hưởng nhiều đến việc đảm bảo an sinh xã hội và khả năng gia nhập tổ chức, thương lượng tập thể của người lao động. Hai nội dung này đều liên quan đến mối quan hệ việc làm.
“Khi người lao động không được đảm bảo an sinh xã hội thường được coi là lao động phi chính thức. Do đó, việc sắp xếp công việc như vậy vô hình chung làm người lao động làm việc tự thân, tạm thời, bán thời gian và làm việc tự do không được pháp luật bảo trợ, không được đảm bảo an sinh xã hội cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp liên quan tới việc làm”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay.
Theo đó, Thứ trưởng khẳng định, điều này đặt ra vấn đề các chính sách /quy định về lao động và việc làm cần được sửa đổi, bổ sung như thế nào để có thể giải quyết vấn đề này.
Sửa đổi, bổ sung chính sách lao động phù hợp
Trước bối cảnh đó, Thứ trưởng Diệp nhấn mạnh, trong khuôn khổ Chương trình làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN 2016 - 2020, việc triển khai “Nghiên cứu khu vực về bản chất thay đổi của quan hệ việc làm dưới tác động của việc sử dụng công nghệ và tính phù hợp của luật pháp trong việc điều chỉnh các mối quan hệ việc làm” do Việt Nam chủ trì mang một ý nghĩa hết sức cấp thiết và quan trọng.
Báo cáo nghiên cứu nhằm đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình công nghệ đang thay đổi thị trường lao động ASEAN, cụ thể công nghệ đang thay đổi hình thức việc làm và tác động tới mối quan hệ việc làm. Dự thảo báo cáo cũng đã được chuyên gia của Mạng JustJobs xây dựng và tham vấn sơ bộ các nước thành viên.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp (giữa) cùng các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Bày tỏ sự tin tưởng, những chia sẻ và ý kiến đánh giá trực tiếp của các đại biểu tham dự Hội thảo diễn ra trong 2 ngày này, sẽ giúp chuyên gia tư vấn của Mạng JustJobs có thể sớm hoàn thiện nội dung báo cáo, Thứ trưởng mong rằng báo cáo này có thể trở thành một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nước thành viên ASEAN trong việc nắm bắt những thay đổi của thị trường lao động.
“Trong đó có thay đổi về mối quan hệ việc làm do tác động của công nghệ, cũng như cân nhắc về những sửa đổi, bổ sung chính sách lao động phù hợp nhằm giải quyết thực trạng trên”, Thứ trưởng nói.
Trong khuôn khổ Hội thảo, với tất cả 8 phiên họp, các chuyên gia trong và ngoài nước tập trung bàn về các chủ đề: Thế giới việc làm thay đổi trong ASEAN; Các khuynh hướng kinh tế, thị trường lao động và công nghệ trong ASEAN và các hình thức làm việc không chính thống; Khuôn khổ khu vực và quốc gia cùng với các chính sách lao động trong giải quyết Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi dậy của các công việc dựa trên nền tảng Internet; Các bài học được rút ra từ các quốc gia thành viên ASEAN và trên thế giới; cùng các khuyến nghị và đề xuất.
Cũng tại Hội thảo, đại diện diễn giả của Tổ chức ILO đã giới thiệu đến các diễn giả các dự đoán của Ủy ban toàn cầu ILO trong Báo cáo về tương lai của việc làm; tổng quan về thế giới việc làm thay đổi trên toàn cầu, tác động của nó đến các thị trường lao động ASEAN và những phản hồi của các quốc gia thành viên ASEAN.
Thanh Nhung - (Ảnh: Mạnh Dũng)