Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nên sống thiện cho mình và cho đời

Theo Phật pháp thì mỗi người sinh ra trong cõi ta bà này đều từ nghiệp đã tạo từ tiền kiếp. Có thể nghiệp lành hoặc dữ mà cuộc sống nhiều niềm vui, thành tựu, giàu sang hay đầy trắc trở, lắm muộn phiền,nghèo khổ. Nhưng không vì thế mà buông xuôi, bởi việc tu nhân tích đức ở thời hiện tại là cần thiết để tiêu trừ bớt nghiệp xấu, tăng trưởng mầm thiện lành cho hôm nay và cả mai sau…

Con người có thể tái sinh là người hay vật do nghiệp lực từ tiền kiếp, nhưng nếu biết tu thân thì sẽ có nhiều thiện nghiệp. Ảnh minh họa

Con người có thể tái sinh là người hay vật do nghiệp lực từ tiền kiếp, nhưng nếu biết tu thân thì sẽ có nhiều thiện nghiệp. Ảnh minh họa

Nghiệp ai người đó nhận

Trong kinh Phật có kể câu chuyện của một vị tôn giả nọ. Ở một ngôi làng nghèo khổ, dân làng kiếm sống mỗi ngày không đủ cái ăn, vì thế họ quyết định tỏa đi hai hướng kiếm sống. Nhưng cứ chiều về, nhóm 1 thì có của ăn, nhóm hai đói vì cả ngày quần quật vẫn không tìm ra thức ăn. Ngày nọ kéo dài qua ngày kia. Có người “phát hiện” ra trong nhóm 2 vì có một người phụ nữ mang thai nên nhóm bị “xui xẻo” và đuổi người phụ nữ này đi. Người phụ nữ đó phải tách nhóm, nuôi con qua ngày trong đói khổ. Một hôm đi ngang qua ngôi nhà giàu, người mẹ quyết định đau lòng là bỏ đứa con lại bên hiên nhà giàu với mong mỏi con mình có cuộc sống ấm no. Nhà giàu đó nuôi dăm bữa rồi họ bỗng… chán, đẩy đứa bé ra khỏi nhà, mặc nó đi lang thang, đói rách. Ngài Xá Lợi Phất nhìn thấy nghiệp đứa trẻ rất nặng và mang về nuôi nấng, cho tu hành. Buồn một nỗi là vị tôn giả này đi khất thực theo tăng đoàn mỗi ngày, ai cũng được cúng dường nhưng tới vị này thì thức ăn bỗng hết hoặc có nguyên nhân nào đó mà tôn giả không nhận được. Từ đó, Ngài luôn… đói! Nhưng Ngài vẫn luôn tu hành tích cực và chứng quả. Khi vị này hấp hối, Ngài Xá Lợi Phất muốn cho đệ tử mình được no bụng trước lúc vãng sanh, bới chén cơm nhưng khổ nỗi đút cơm vào lại ói ra hết và vị tôn giả đó mất đi trong đói khát. Ngài Xá Lợi Phất mới đem chuyện hỏi Ðức Phật, Ðức Phật cho biết, kiếp trước vị tôn giả kia cũng là một người tu hành, nhưng rất xấu tính: hay xúi quẩy người đời đừng cúng dường cho vị này vị kia, rồi kết bè nói xấu, chia rẽ các chúng tăng cùng tu tập… Vì thế, kiếp này vị tôn giả ấy tái sinh và cũng đi tu được chứng quả nhưng cứ đói khát triền miên,  đến chết vẫn đói! Còn những người cùng tu mà hùa theo vị này thì tái sinh là những người trong nhóm 2 của ngôi làng kia đi kiếm sống mỗi ngày mà không đủ ăn…

Qua câu chuyện trên để thấy, mỗi người đều có nghiệp riêng của cá nhân mình và nghiệp chung với nhóm người, gia đình, dòng tộc, đồng nghiệp… tức cộng nghiệp. Ở tiền kiếp, mỗi người đều có chủng tử nghiệp được kéo tới đời này, và tập nghiệp xuất hiện khi sống trong kiếp hiện sinh, sắp chết thì là cận tử nghiệp. Trong đời sống, có những người hay áp đặt cái nghiệp riêng của mình lên nghiệp của người khác, nhất là những người có chức quyền hay người hung dữ, điều này vô tình lại tiếp tục tạo nghiệp không lành cho chính họ. Mỗi chúng sinh khi sinh ra đều có một nghiệp riêng mà chính họ phải chịu do nhân - quả tạo thành từ tiền kiếp và sẽ rơi vào cửa sinh phù hợp với nghiệp đã hình thành. Bởi vậy, có câu “ai chọn cửa mà sinh”, cửa ở đây chính do nghiệp dẫn lối. Con người nên hiểu và nhận ra nghiệp riêng của mỗi người để cảm thông, hóa giải, tha thứ cho nhau; còn phần tối của người nào ẩn khuất thì mong họ gặp được thiện trí thức, gặp được pháp lành để họ chuyển nghiệp. 

Nên phát triển thiện nghiệp

Chính vì chủng tử nghiệp trong quá khứ đã kéo con người lại với nhau khi đủ duyên, nhưng con người phải có trí để nhận biết tập nghiệp của mỗi người. Ví dụ như là vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp… khi tụ nghiệp thì gắn với nhau, khi hết nghiệp thì ắt ly tán, tốt nhất là không hận thù, bởi hận thù dễ “ám” trong đời sống hiện tại và oan nghiệp đó có nguy cơ gặp lại nữa!

Muốn giải bớt nghiệp dữ thì con người nên tu tập. Tu trước hết là sửa mình, chứ không hẳn là phải vào chùa. Ðạo Phật hướng cho chúng ta ba điều bi-trí-dũng để quán chiếu nghiệp lành hay dữ của mình. Bi là biết thương mình, chấp nhận nghiệp mình và cảm thông với nghiệp người khác, giúp họ chuyển nghiệp dữ sang lành. Cũng nên có lòng từ bi để nhìn mặt tốt của một người. Chẳng hạn, một người nóng tính nhưng họ thật thà, nói lời ngay và hay giúp người vẫn hơn người sống quanh co và nói lời giả dối nhưng ngọt ngào. Trí là sẽ nhận biết đúng sai để nhìn người. Khổng Tử từng dạy: Người khen đúng là bạn, khen sai là kẻ thù, người thấy cái sai của ta chỉ cho ta chính là thầy ta! Lời khen “xạo” trong cuộc sống rất dễ làm cho con người vọng tưởng, đôi khi biết sai thì khoái lỗ tai dẫn đến vô minh. Cái trí nhận ra giúp con người vững chãi. Dũng là dám buông bỏ cái dở hay dũng cảm sửa chữa tập nghiệp của mình. Ðiều này sẽ rất khó đối với người có lòng tham nhưng không có nghĩa là không làm được.

Phật không phải là một tôn giáo để thờ phụng, cúng bái, lạy lục, cầu xin mà đó chỉ là nghi lễ để bày tỏ tấm lòng và tri ân Ðức Phật - người chỉ đường cho chúng sinh đến bờ giác ngộ. Ðạo Phật là của con người, còn con người là còn đạo Phật và đó là đạo cứu khổ, chỉ cho con người cái nhân khổ để tìm lối thoát… Nghiệp dữ hay lành con người mang theo từ tiền kiếp khi tái sinh thì con người phải chấp nhận do nhân - quả, nhưng tu để sửa mình, bớt cái xấu, cái dở, “cải tạo” mình tốt hơn là điều con người có thể hoàn toàn làm được, nhất là khi còn là những đứa trẻ. Cha mẹ nếu là những nhân lành chính là người có thể uốn nắn giúp trẻ cải thiện dần, bởi như thế trẻ không chỉ nhẹ nghiệp mà còn là công dân tốt cho đời.