Năm nay tiết trời se lạnh, đúng 12 giờ đêm giao thừa trước cổng nhà người dân vùng biên Ea Súp đồng loạt rực sáng ánh lửa. Ngọn lửa vút cao, gặp gió nổ toé những tia lửa tựa như pháo hoa. Theo quan niệm của người dân, ngọn lửa đêm giao thừa có ý nghĩa xua đuổi điều không hay, mang sự ấm áp, may mắn cho năm mới.
Từ chiều trong ngày, ngoài mua sắm dọn dẹp thì việc chuẩn bị một đống củi chất cao phía trước cổng nhà là việc không thể thiếu của cánh đàn ông nơi đây. Đống củi được tạo từ nhiều loại cây khác nhau có được đã thu nhặt từ trong vườn như cây điều, cây xoài, sung... được xếp theo hình chóp cao quá đầu người hay tùy từng nhà cao, thấp để chờ đốt trong thời khắc giao thừa. Anh Nguyễn Văn Lộc (thôn 9, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) cho biết: Năm nào cũng vậy, đúng 12 giờ đêm, anh sẽ châm ngòi đốt đống củi dựng sẵn trước nhà giúp xua tan cái lạnh đêm 30 tháng Chạp, chào đón năm mới ấm áp.
Không riêng nhà anh Lộc, mỗi nhà dân vùng biên Ea Súp đều chuẩn bị một đống củi, chờ tới giao thừa đồng loạt đốt tạo thành một dãy lửa sáng rực. Ngọn lửa vụt cháy, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên đống lửa, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon, nghe nhạc xuân đón mừng năm mới.
Tục đốt lửa đêm giao thừa có từ lâu, mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu may mắn cho năm mới. Tuy nhiên, việc xếp củi thành những đống to bắt đầu hình thành và phổ biến từ khi Nhà nước cấm đốt pháo. Người dân vùng sâu không có điều kiện ngắm pháo hoa nên nghĩ ra cách chất những đống củi cao ngút đốt thay pháo Người này đốt, người kia làm theo dần dần tạo thành thói quen không thể thiếu vào đêm cuối năm. Ở vùng sâu đất rộng người thưa, cây củi sẵn có nên việc đốt lửa rất phổ biến, trở thành văn hóa đón giao thừa rất riêng biệt của người dân.