Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Văn hóa - Giải trí

Ngâm Kiều trở lại trong đời sống hiện đại

(Dân sinh) - Với mong muốn hình thức ngâm Kiều sẽ được lưu giữ, lan tỏa sâu bền hơn, nhất là trong thế hệ trẻ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long đã cùng nhiều nghệ sĩ dày công thực hiện dự án “Ngâm Kiều toàn tập”.

Hiện nhóm thực hiện dự án đã đưa một số clip ngâm Kiều phát miễn phí trên kênh YouTube Dân ca và Nhạc cổ truyền và nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng.

Ngâm Kiều trở lại trong đời sống hiện đại - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (thứ 2 từ phải sang) cùng ê-kip của dự án "Ngâm Kiều toàn tập".

Hơn 10 nghệ sĩ tự nguyện tham gia dự án đa dạng về độ tuổi, phong cách. Thế hệ nghệ sĩ gạo cội có thể kể tới NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần; các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống được công chúng yêu mến như: NSƯT Quốc Khanh, nghệ sĩ Thúy Nga, Văn Phương, Phạm Dũng. Điều đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ thế hệ 8x, 9x đánh đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu, thổi sáo cũng nhiệt tình tham gia dự án.

Ngâm Kiều trở lại trong đời sống hiện đại - Ảnh 2.

Nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Nói về ý nghĩa của dự án, Nguyễn Quang Long nhấn rằng, Truyện Kiều là một kiệt tác được thế giới tôn vinh và bao thế hệ người Việt tự hào. Ngâm Kiều chính là một cách để tác phẩm này có thể đi vào đời sống tự nhiên với lối tiếp cận bình dân và gần gũi nhất. Theo anh, ngâm Kiều cũng để tự răn mình, khuyên nhủ những bài học ý nghĩa ở đời. Với hình thức ngâm, quý nhất là đã làm sống lại Truyện Kiều bằng chính thể thơ thuần Việt.

Chia sẻ về cơ duyên thực hiện dự án này, nghệ sĩ Quang Long cho biết, suốt tuổi thơ của anh và nhiều thế hệ người Việt Nam đã gắn bó với hình ảnh những người bà, người mẹ ru trẻ thơ bằng ngâm Kiều, lẩy Kiều. Khi những câu thơ lục bát được vang lên bằng tình cảm sâu nặng, yêu thương của người phụ nữ thì những giá trị được cảm nhận, lan tỏa và lắng đọng theo thời gian. Truyện Kiều là tác phẩm kinh điển, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam và giá trị ấy đã được thế giới công nhận, tôn vinh.

Đời sống bình dân của cư dân đồng bằng Bắc bộ có hẳn một lối ngâm riêng dành cho Truyện Kiều. Theo nghệ sĩ Quang Long, ngâm Kiều khác với các loại hình khác ở màu sắc ngôn ngữ, âm nhạc, cách rung, nhấn nhá, nảy hạt, trao gửi tâm trạng của người ngâm và nếu ngâm theo lối cổ thì ngâm xong một đoạn buộc phải có câu "vay", tức hai chữ đầu của câu sáu tiếp theo.

Ngâm Kiều trở lại trong đời sống hiện đại - Ảnh 3.

NSND Thanh Hoài (ngoài cùng bên trái) và các nghệ sĩ trẻ ngâm Kiều.

Các nghệ sĩ của dự án đều ngâm Kiều thuần thục, phần vì họ rất gắn bó với nghệ thuật chèo và các loại hình âm nhạc dân gian của đồng bằng Bắc bộ. NSND Thanh Hoài với lối ngâm cổ, giọng ngâm hay, chuẩn chỉnh xuất hiện ở phần mở đầu và phần kết thúc. Các nghệ sĩ khác cũng thể hiện được tài năng, cá tính của mình bằng phong cách riêng và người tổ chức là nghệ sĩ Quang Long luôn tôn trọng sự khác biệt. Mạch cảm hứng xuyên suốt, xâu chuỗi các cá tính lại với nhau chính là tình yêu nghệ thuật, tinh thần cảm nhận và lan tỏa giá trị của Truyện Kiều. 

Những nghệ sĩ trẻ như Thúy Nga có lối ngâm gần gũi, trữ tình; NSƯT Quốc Khanh với lối ngâm nảy rõ ràng, rành mạch và cũng rất tình; nghệ sĩ Văn Phương có phần phá cách, vốn duyên dáng trong vai hề chèo sẽ có "đất" thể hiện ở những phần nội dung phù hợp của Truyện Kiều.

Phần thu âm được lồng trong hình ảnh 2D và kỹ xảo hình để minh họa tác phẩm. Phần này đều do các nghệ sĩ trẻ phụ trách. Bên cạnh đó, dự án còn thực hiện thêm một phần các cảnh quay nghệ sĩ ngâm Kiều với dàn nhạc dân tộc ở đình Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Kinh phí thực hiện dự án "Ngâm Kiều toàn tập" không hề nhỏ. Quỹ Thiện Tâm tài trợ 35%, còn lại nghệ sĩ Quang Long chủ động phần kinh phí. Anh cho biết, đóng góp lớn nhất chính là đội ngũ nghệ sĩ và bộ phận kỹ thuật như: Phòng thu âm, ghi hình, hậu kỳ... 

Để có hơn 10 giờ thu âm là chuỗi ngày lao động nghệ thuật đầy say mê, nhiệt huyết. Nhóm các nghệ sĩ miệt mài từ sáng tới tối, ăn trưa tại phòng thu. NSND Thanh Hoài đã ngoài 70 tuổi, lúc nào cũng chỉn chu, đúng giờ, đọc và ngẫm rất kỹ phần nội dung tác phẩm mình sẽ ngâm. Khi thu âm, bà ngâm một mạch không nghỉ. NSND Thúy Ngần cũng gần kề lứa tuổi 60 nhưng luôn toát lên sức sống, sức hút trong nghề nghiệp.

Về mục đích dự án, các nghệ sĩ mong muốn hình thức ngâm Kiều đang có phần thưa vắng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam sẽ được lưu giữ, lan tỏa mạnh mẽ hơn, nhất là trong thế hệ trẻ. Bằng hình thức thu âm và phổ biến bản thu, các gia đình có thể cho trẻ em nghe từ khi còn thơ bé, làm đẹp hơn thế giới quan tinh thần. Với người trưởng thành, âm điệu phảng phất, nhấn nhá sẽ mang đến cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm sâu hơn giữa bộn bề cuộc sống. Ngoài ra, dự án sẵn sàng kết hợp với các nhà trường, giới nghiên cứu văn hóa trong nước và ngoài nước để tôn vinh Truyện Kiều. 

Gần gũi hơn, nghệ sĩ Quang Long dự định tổ chức những buổi trình diễn nhỏ trong không gian văn hóa thuần Việt như đình làng, phố cổ để ngâm Kiều, lẩy Kiều, tương tác với công chúng. Với nguồn kinh phí chủ yếu là tự túc và thời gian có hạn, dự án "Ngâm Kiều toàn tập" đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm của những người nghệ sĩ luôn đau đáu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc trong đời sống hôm nay.

Xin mời nghe Truyện Kiều - Nguyễn Du chương 2, Kiều gặp Kim Trọng qua giọng ngâm Thuý Nga, của dự án Ngâm Kiều toàn tập.