Làng gốm nghìn năm
Về độ bền, đẹp, tỉnh xảo thì gốm Hiển Lễ chẳng thua kém gì gốm xứ Quế hay xứ Bát Tràng. Chả thế mà cách đây năm sáu chục năm, người từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hưng Yên, rồi người từ Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ,.. khua chèo vào đây mua gốm. Nói như cụ Nguyễn Thị Vinh (80 tuổi), chỉ riêng việc gánh gốm thuê từ làng ra thuyền cho thương lái cũng đủ tiền đong gạo cho cả nhà ăn quanh năm.
Những đồ gốm này giờ không ai dùng nữa
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, có lẽ đây là làng gốm cổ nhất Việt Nam. Các di chỉ khảo cổ, các tài liệu ghi chép đã nói lên điều này. Lần giở những trang sử cũ kỹ viết bằng chữ Nho, cụ Nguyễn Hải Định (Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Hiển Lễ) cho biết: Từ thời Hùng Duệ Vương, tại đất Sáo Sơn, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có người họ Vũ, tên Lực, tự là Hà Tân, hiền lành, nhân đức, phúc hậu, chuyên đào đất làm nồi. Công việc đó cho ông có cuộc sống no đủ, nhưng ông lại không có con dù có hai bà vợ. Sau này ông hiểu ra rằng, có tiền có của mà không có con cũng chẳng nghĩa lý gì, nên ông khăn gói đi khắp nơi, nơi nào nghèo đói ông sẵn sàng giúp đỡ.
Một lần đi đến Bạch Dương trang (nay là Hiển Lễ) ông thấy sùng lầy, đất đai rộng đẹp, là nơi long hổ lạc về, núi sống có tình, nhưng dân thì đói khổ lạc hậu. Ông liền dạy cho dân cách làm gốm, nặn nồi đem bán. Về sau, một đêm ông nằm mơ thấy có người bảo rằng nên đem hài cốt cha ông đến Sáo Sơn chôn cất thì sẽ có con và được người đời lưu nhớ. Tỉnh mộng, ông đã làm theo. Đúng một trăm ngày sau ông hay tin vợ có thai, và cũng từ đó ông ốm nặng rồi qua đời.
Nồi gốm
Người con sinh ra đặt tên là Trường Sinh. Lớn lên trong đói khổ nhưng chàng lại siêng năng học hành. Dưới thời Hùng Duệ Vương, giặc giã tung hoành, Trường Sinh đã đứng lên giúp vua dẹp giặc. Khi đi qua Bạch Dương trang, thấy đất lạ khác thường, dân có lập một miếu thờ, lại biết làm gốm. Trường Sinh hỏi thờ ai? Dân đáp rằng thờ Nguy Nguy Giáng Sinh. Trường Sinh nghe vậy biết ngay là họ thờ mình, lại nhớ về cha mẹ đã truyền nghề cho họ nên vô cùng yêu quý. Dân cũng nhận ra điều đó nên nhận làm con của Trường Sinh. Về sau, ông tổ nghề Vũ Lực cùng vợ và con trai Trường Sinh đều được thờ ở làng Hiển Lễ.
Trải qua hàng nghìn năm, làng gốm vẫn giữ nguyên được những nết độc đáo của mình, ấy là bởi, để bí mật làng nghề không được truyền ra ngoài, người Hiển Lễ đã lập lời thề chỉ cho phép dựng vợ gả chồng cho người trong làng. Nếu ai truyền nghề cho người ngoài, nhẹ thì bị phạt vạ, dân làng xa lánh, khinh rẻ; nặng thì bị đuổi khỏi làng. Như câu chuyện một cô gái họ Vũ đi chợ sang Hương Canh, một người gian xảo đã bày mưu rồi nhờ cô gái Hiển Lễ truốt cho cái nắp vung, cô gái họ Vũ vô tình làm theo, khi bị phát hiện, mẹ con cô buộc phải rời khỏi làng.
Bình gốm cổ nơi đình thờ
Cũng theo các cao niên, trong nghề gốm, khâu đắp lò và nung gốm là quan trọng nhất. Người ta không tiết lộ bí mật về kĩ thuật xây đắp lò, kĩ thuật nung gốm. Hai khâu này dứt khoát không được truyền cho con rể và con gái. Khi ra vào lò thì cấm người lạ vào gần vì sợ bị đánh cắp mất bí mật của nghề. Khi đang nung gốm, cấm đàn bà và con gái đi qua vì sợ làm ô uế lò gốm khiến cho đồ gốm trong lò bị hỏng. Người thợ đun lò phải tắm rửa sạch sẽ, cúng lễ cầu xin và tổ nghề, cấm nói tục.
Trong tục lệ ma chay, khi đám rước đi qua đình thờ tổ nghề không được đánh trống, thổi kèn, khóc lóc sợ làm kinh động đến đức tổ nghề. Nếu làm đức thánh tổ nổi giận gốm sẽ bị hư hỏng, khi nung gốm sẽ bị sống. Khi cưới xin, bao giờ nhà trai cũng phải đưa cho nhà gái ba đôi quang mây để gánh nước và để gánh đất làm gốm. Việc gánh đất và nước tượng trưng cho sự hoà quyện của nguyên liệu làm gốm, tượng trưng cho sự bền chặt của tình cảm vợ chồng. Có thế, bí quyết nghề của cha ông mới không lan truyền ra ngoài.
Hồn gốm…
Đám giỗ của cả làng, là giỗ ông tổ nghề Vũ Lực và đức thánh Trường Sinh, lễ giỗ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Cụ Vinh với dụng cụ giác hơi bằng gốm
Vào ngày này, dân làng lại náo nức gọi nhau ra khu đầm lầy lấy đất đưa lên bờ. Rồi đến tháng Tư mưa xuống, nước lên, đem thuyền ra đưa đất về nhà. Tháng Năm nặn gốm, đỏ lửa thâu đêm. Tháng Bảy có người đến mua, làng xóm lại tấp nập. Người gồng gánh gốm ra sông, người vác lá rừng về đốt lò, người mặt mũi lấm lem nhào nặn, người khéo léo chuốt gốm uyển chuyển, khéo léo.
Giờ đã khác, gốm xưa giờ chỉ còn là … hồn gốm. Chìa đôi tay nhăn nhúm, cụ Nguyễn Đình Minh (82 tuổi), là hậu duệ đời thứ 7 theo nghề gốm tự trách: Chính đôi tay này đây đã nặn nên biết bao là nồi, biết bao là ấm, là chum, là vại. Thế nhưng cũng chính đôi tay này đã phải vứt bỏ cái bàn chuốt đi. Tiếc. Tiếc lắm. Nhưng đành chịu!
Cụ Nguyễn Đình Minh nuối tiếc về sự xóa xổ làng gốm
Những tưởng, với sự yêu quý, nâng niu, trân trọng ấy, làng gốm Hiển Lễ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Thế nhưng, thời gian đã làm cho gốm Hiển Lễ cứ mai một dần đi, dù có nuối tiếc nhưng đành “lực bất tòng tâm” bởi quy luật nghiệt ngã của thị trường. Giờ đây, chẳng ai còn yêu thích các sản phẩm gốm làm từ đất sét gan trâu nữa, cũng chẳng còn gia đình nào thích sử dụng các sản phẩm nồi niêu, chum, vại dân dã nữa.
Người dân vẫn bảo nhau: “Người tiêu dùng đã từ chối gốm Hiển Lễ thì người làm nghề làm sao giữ được”. Và, cái lò gốm cuối cùng của đất Hiển Lễ đã bị phá cách đây gần 2 năm rồi, muốn có một vài vật dụng là minh chứng cho làng nghề, các cụ phải ra ngoài vườn nhặt về vài ba cái nồi đã sứt quai.
Đình thờ tổ nghề gốm
Cụ Nguyễn Duy Nhân ngậm ngùi, chép miệng: Biết làm sao được! Chúng tôi không ngờ rằng cái nghề nghìn năm tuổi lại bị mai một nhanh đến như vậy. Những người già yêu nghề, tâm huyết, có tay nghề cao còn độ khoảng chục người nữa. Nếu như một ngày họ mất đi thì cái làng nghề và bí quyết truyền nghề chỉ còn lại trong quá khứ, chẳng ai biết đến, hoặc có biết thì chỉ qua nghe kể mà thôi...
Ông Đào Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Cao Minh nuối tiếc, yêu lắm cái nghề của quê hương, cái bí kíp nghìn năm có lẻ. Khôi phục làng nghề thì dễ, nhưng rồi liệu người dân có sống được bằng nghề không? Dân Hiển Lễ làm ra chủ yếu là gốm sành, bao gồm các vật dụng sinh hoạt của người dân nông thôn như chum, vại, nồi niêu, chén, bát... nhưng những cái đó giờ đồ bằng nhựa, bằng nhôm, bằng inox cả rồi, mấy ai dùng đồ gốm, gốm làm ra chẳng còn bán được nữa. Mặt khác, giờ dân ở đây họ chuyển đổi nghề, có thể làm xây dựng, công ty, xí nghiệp… công việc nhàn hơn làm gốm, thậm chí thu nhập cũng có hơn làm gốm.