Ngày 6/2, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Quảng Trị cho biết, Bộ TT&TT vừa có Công văn trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Trị liên quan đến vấn đề quản lý sim rác và xử lý các cuộc gọi, tin nhắn giả danh, lừa đảo.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 11/20222), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã nêu ý kiến kiến nghị của cử tri liên quan vấn đề: “Hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng sim rác giải danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhắn tin, gọi điện thoại cho người dân để đe doạ, dụ dỗ diễn ra ngày càng nhiều. Cử tri kiến nghị cần có các giải pháp quản lý sim rác của các nhà cung cấp dịch vụ mạng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.”
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian gần đây, có một số đối tượng lợi dụng công nghệ (trong đó có việc sử dụng số điện thoại để nhắn tin, gọi điện) nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, như giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo đó, các đối tượng thường sử dụng công nghệ VoIP (gọi điện dựa trên giao thức Internet) nhằm làm giả số từ nước ngoài gọi về hoặc giả mạo số của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công an gọi điện đến số người dân để lừa đảo.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng SIM thuê bao thông thường để gửi tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, mạo danh cơ quan quản lý, các ngân hàng để gọi điện lừa đảo.
Nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng nói trên, Bộ TT&TT đã phối họp với các cơ quan có liên quan triển khai nhiều biện pháp.
Đối với trường hợp đối tượng sử dụng công nghệ VoIP, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông yêu cầu triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng giả mạo số điện thoại qua VoIP quốc tế chiều về với mục đích lừa đảo tới thuê bao viễn thông Việt Nam (chặn các số sai định dạng, cấu trúc,…). Trong năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn hơn 81,6 triệu cuộc gọi có dấu hiệu giả mạo (gần 6 triệu cuộc/tháng) không cho kết nối vào mạng viên thông của Việt Nam.
Đối với trường hợp SIM thuê bao thông thường, Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các nhà mạng triển khai các biện pháp tăng cường tính xác thực của thông tin thuê bao.
Theo Bộ TT&TT, trong năm 2017, qua rà soát phát hiện gần 22 triệu SIM có thông tin chưa đầy đủ, hợp lý, hợp lệ theo quy định. Đến tháng 6/2022, số SIM chưa khai báo thông tin đầy đủ đã được xử lý triệt để (bao gồm: cập nhật lại thông tin, chặn, khoá, huỷ các trường hợp không tuân thủ), bảm đảm 100% (gần 125 triệu SIM) có đầy đủ thông tin thuê bao.
Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực giấy tờ (CCCD/CMND) của các chủ thuê bao. Các thuê bao khi đăng ký mới đều phải thực hiện theo quy trình xác thực chặt chẽ.
Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin cảnh báo, nâng cao ý thức người dân; hướng dẫn cách xử lý khi có cuộc gọi hay tin nhắn rác. Bộ TT&TT đã thường xuyên trao đổi, gửi thông tin mà người dân phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến tổng đài 156/5656 tới cơ quan công an để xem xét, phối hợp xử lý.
Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường triển khai truyền thông cho người sử dụng dịch vụ về phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, giúp nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo và có biện pháp phòng tránh.
Bộ cũng tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo số điện thoại có mục đích lừa đảo. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, xử lý cuộc gọi giả mạo.