Khu nhà trọ công nhân không có ma túy và tệ nạn xã hội
Với đặc điểm làm việc, sinh hoạt, ăn ở tập thể, tính cộng đồng cao, hiểm họa ma túy trong công nhân lao động dễ lây lan nhanh chóng hơn các khu vực khác. Trong khi phần đông công nhân lao động hiện nay có tuổi đời tương đối trẻ, nhiều người mới bước ra từ nông thôn, từ các trường dạy nghề, kinh nghiệm sống chưa nhiều, họ rất dễ bị lôi kéo, sa vào vòng nghiện ngập. Đặc biệt, ở những nơi tập trung đông công nhân lao động như khu công nghiệp, khu chế xuất, nếu không tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động thì nguy cơ tệ nạn này bùng phát càng cao. Việc tuyên truyền trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trên địa bàn có nhiều nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc nghiện... chưa sâu rộng, thường xuyên.
Ở tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động với hơn 294 nghìn lao động (trong đó, trên 216 nghìn lao động từ các tỉnh khác và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống), gần 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Sự phát triển nhanh của lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước đã làm cho đời sống sinh hoạt ở địa phương có phần phức tạp hơn; công tác tuyên truyền, vận động công nhân lao động đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, phòng, chống ma túy… cũng khó khăn hơn.
Cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền cho công nhân lao động về tác hại của các loại ma túy. Ảnh KT
Ông Lưu Văn Mùi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: Huyện Yên Phong tập trung nhiều khu công nghiệp, để thực hiện tốt công tác phòng chống ma túy, huyện tăng cường xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về phòng, chống ma túy, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn có đông công nhân lao động. Cụ thể, duy trì và phát triển nhân rộng các mô hình về an ninh trật tự có hiệu quả tại các khu công nghiệp; thành lập và nhân rộng các “Khu nhà trọ công nhân không có tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội” tại các địa bàn có đông công nhân lao động; xây dựng các mô hình truyền thông phòng, chống ma túy tại khu công nghiệp tập trung; củng cố các thiết chế về hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi lành mạnh giúp công nhân lao động tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội.
Các ban, ngành cần tăng cường công tác phối hợp với lực lượng công an trong công tác phòng, chống ma túy. Nắm tình hình tội phạm ma túy và các tệ nạn xã hội trong công nhân, viên chức, lao động, nhất là tại các địa bàn, khu vực nhà máy, xí nghiệp, nhà xưởng... nơi các đối tượng có thể lợi dụng sản xuất, điều chế và tàng trữ trái phép chất ma túy; kịp thời phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy. Mục đích của các hoạt động nhằm phát huy vai trò của tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống ma túy, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của người lao động; đồng thời ngăn chặn tệ nạn ma túy trong công nhân lao động, tạo môi trường lành mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hội nghị tập huấn về phòng chống ma túy. Ảnh KT
Công nhân lao động nói không với ma túy
Công tác phòng chống ma túy cho công nhân lao động nhiều năm qua chú trọng vào các khu công nghiệp nơi công nhân lao động. Thời gian tới, các cấp công đoàn cả nước tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống ma túy trong công nhân lao động, nhất là bộ phận công nhân lao động làm việc tại ngành nghề đặc thù như điện lực, giao thông, xây dựng, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và những địa phương có tụ điểm ma túy. Từ đó, nâng cao nhận thức của người lao động, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn.
Với chủ đề “Hãy suy nghĩ trước khi bắt đầu” và phương châm hành động “Công nhân, viên chức, lao động tự bảo vệ trước hiểm họa ma túy” ở Công ty Tuyển than Cửa Ông (Quảng Ninh) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã giúp cán bộ, công nhân viên nâng cao kỹ năng tự phòng ngừa, phát hiện và có ý thức trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Thông qua đó, công nhân, viên chức, lao động có đủ kiến thức để chủ động tránh xa tệ nạn ma túy, có đủ sức khoẻ lao động sản xuất, phục vụ sự phát triển bền vững của Công ty và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
Công ty tổ chức nhiều đợi tập huấn về phòng chống ma túy, công nhân, lao động được tìm hiểu các nội dung và cách thức phòng chống ma túy cho những người chưa từng liên quan đến ma túy và cách phòng ngừa thứ cấp cho các nhóm có nguy cơ mắc nghiện cao, từ đó nâng cao nhận thức và chủ động phòng tránh tệ nạn nguy hiểm này.
Để tạo sự chuyển biến tích cực trong công nhân, lao động phòng ngừa ma túy, cần đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền cho công nhân, lao động về tác hại của các loại ma túy tổng hợp đang xuất hiện và gia tăng nhanh chóng; Trang bị các kỹ năng để công nhân lao động tự bảo vệ bản thân, không bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy; Phát động phong trào công nhân, viên chức, lao động tham gia phòng, chống ma túy; Nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện, tố giác tội phạm, các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng chất ma túy; Đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Công nhân, lao động được tìm hiểu các nội dung và cách thức phòng chống ma túy cho những người chưa từng liên quan đến ma túy và cách phòng ngừa thứ cấp cho các nhóm có nguy cơ mắc nghiện cao, từ đó nâng cao nhận thức và chủ động phòng tránh tệ nạn này.
Hồng Lĩnh/GĐTE