Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục trẻ em tại Hoà Bình

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Hoà Bình, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 28 vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE), tập trung chủ yếu tại 2 huyện Đà Bắc và Tân Lạc. Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

Nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại. Ảnh: Plan International Việt Nam

Nâng cao nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại. Ảnh: Plan International Việt Nam

Nguy cơ từ trong nhà đến ngoài xã hội

Theo đánh giá của Đội nghiệp vụ cơ bản (Phòng CSHS công an tỉnh), đây chỉ là những vụ việc được phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Trên thực tế vụ việc có thể xảy ra nhiều hơn nhưng chưa được phát hiện, tố giác...

Cũng từ thực tế các vụ XHTDTE được phát hiện thời gian qua cho thấy, tội phạm XHTDTE có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào và bất kỳ trẻ em nào cũng đều có thể trở thành nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục (XHTD). Trong đó, nhóm trẻ em từ những gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa ít quan tâm, hoặc bố mẹ ly hôn, phó mặc việc quản lý, giáo dục con cái cho ông bà nuôi dưỡng, trẻ bị khuyết tật, hạn chế về nhận thức có nguy cơ bị XHTD cao nhất.

Cùng với đó, các đối tượng tội phạm XHTDTE xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau, đa phần có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế... Điển hình như đối tượng B.M.D (SN 2004), trú ở xã Thanh Cao (Lương Sơn) sau khi xem phim khiêu dâm trên mạng Internet đã lừa phỉnh, dụ dỗ và thực hiện hành vi XHTD đối với 2 nạn nhân là chị em họ trú cùng xóm. Khi thực hiện hành vi phạm tội B.M.D mới 14 tuổi 9 tháng 2 ngày, 2 nạn nhân cũng chỉ 7 tuổi, 4 tháng. Còn đối tượng L.V.K (SN 2009), trú tại xã Đoàn Kết (Đà Bắc) thực hiện hành vi XHTD cháu T (SN 2017) khai nhận do ảnh hưởng từ việc xem phim khiêu dâm trên mạng Internet. Nạn nhân của các vụ XHTDTE hầu hết dưới 10 tuổi, thậm chí có trường hợp mới 3 - 4 tuổi.

Đáng lo ngại là vấn nạn XHTDTE đã len lỏi vào trong nhiều gia đình, biến gia đình trở thành nơi không an toàn cho trẻ, bởi nhiều đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chính là người thân như ông nội, bố, chú, bác, anh em họ hàng, hàng xóm láng giềng... như trường hợp đau lòng ở huyện Tân Lạc khi bố đẻ nhiều lần XHTD con gái ruột, kéo dài trong 8 năm liền mới bị phát hiện. Hay trường hợp ông nội nhiều lần XHTD cháu gái từ lúc mới 7 tuổi ở huyện Đà Bắc…

Xâm hại trẻ em là một tội ác.

Xâm hại trẻ em là một tội ác.

Chung tay đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em

Theo lãnh đạo phòng CSHS công an tỉnh Hoà Bình, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm XHTDTE, gia đình cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý và đồng hành cùng con em mình. Nhà trường cần trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết nhất định về giới tính cũng như kỹ năng phòng tránh bị xâm hại và tự phòng vệ trước những mối nguy hiểm. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nhất là công tác giáo dục toàn dân để mỗi người dân tự biết điều chỉnh hành vi của bản thân, nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, không có hành vi xâm hại thân thể người khác...

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình cũng đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác truyền thông về giữ gìn hạnh phúc gia đình và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.

Cụ thể: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; từng bước giảm dần số vụ bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. 

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền để mọi người dân tham gia xây dựng, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và truyền thống gia đình các dân tộc tỉnh Hòa Bình; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. 

Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cha mẹ và trẻ em trong gia đình. 

Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng ngừa bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. 

Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kĩ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em và giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho cán bộ làm công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên cơ sở. 

Nâng cao chất lượng tin, bài chuyên đề, bố trí thời lượng, thời gian phù hợp cho các chương trình, nội dung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.