Trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình cho trẻ em. Ảnh: Tuyết Lập
.
Trách nhiệm và lương tâm của cộng đồng và gia đình
Thông tin liên quan đến các vụ xâm hại trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều, gây bức xúc, lo lắng cho các bậc cha mẹ. Để giải quyết việc này, cần có sự nhận thức sâu sắc vấn đề, chỉ rõ những nguyên nhân để bảo vệ những chủ nhân tương lai của đất nước. Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị xâm hại và dễ bị tổn thương. Là nhóm xã hội yếu thế, ít khả năng tự vệ nhất, trẻ em trở thành nạn nhân đáng thương nhất của lối sống tiêu cực và lệch chuẩn. Song hành với những mặt trái phát sinh từ cơ chế thị trường và đời sống xã hội là những quan niệm cũ kỹ, lạc hậu, khiến nhiều người e ngại, xấu hổ, không dám tố cáo hoặc ém nhẹm thông tin, cho qua nhiều vụ việc xâm hại tình dục.
Và không thể không nói tới sự xem nhẹ về quyền trẻ em của một bộ phận người dân và cơ quan chức năng cùng với việc trẻ em ít được quan tâm, giáo dục đầy đủ về nguy cơ, kỹ năng phòng ngừa từ gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội. Một nguyên nhân khác là lỗ hổng pháp lý khi thiếu quy định rõ ràng về hành vi dâm ô, khiêu dâm trẻ em khiến nhiều thủ phạm không bị xử lý thích đáng, thậm chí nhởn nhơ và coi thường pháp luật.
Để trẻ em không phải trả giá đắt cho những sai lầm, những cách nhìn thiển cận của người lớn thì việc quan trọng là phải thay đổi nhận thức trong mỗi cá nhân. Trước hết, mỗi nạn nhân và gia đình cần dũng cảm tố giác tội phạm để lấy lại công bằng cho chính mình và những trẻ em khác. Cộng đồng xã hội cũng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, giám sát, kiểm tra thực thi pháp luật liên quan tới quyền trẻ em của cơ quan chức năng.
Việc người lớn phải có trách nhiệm và lương tâm không phải chỉ là vấn đề lời nói mà phải là hành động đích thực. Vấn đề là bố mẹ phải làm sao tạo được một môi trường tin cậy lẫn nhau, quan tâm đến con cái và dĩ nhiên, chỉ có trái tim nhạy cảm của người mẹ mới nhận thấy được những gì bất thường dù là rất nhỏ ở đứa con yêu quý của mình.
Để ngăn ngừa các tình huống không an toàn có thể xảy ra, việc các em trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng về an toàn cá nhân là rất cần thiết. Do đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân, trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Trước hết, những người cha, người mẹ phải luôn đồng hành cùng con, giáo dục, trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ bị xâm hại.
Buổi tập huấn, tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em ở quận Long Biên - Hà Nội. Ảnh: Phan Cao
Tích cực phát hiện, lên tiếng, tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ
Thực tế, những trường hợp được phát hiện và xử lý bởi các cơ quan chức năng vẫn chưa thể hiện hết thực trạng nhức nhối của nạn xâm hại tình dục trẻ em, bởi rất nhiều vụ việc vì nhiều lý do khác nhau mà phụ huynh không muốn đưa ra công luận, tố giác tội phạm. Việc điều tra, khởi tố vụ án cũng gặp khó khăn vì các gia đình không khai báo kịp thời, chủ yếu tự giải quyết theo hướng dàn xếp, thỏa thuận vì lo ngại ảnh hưởng tới tương lai của trẻ. Tại nhiều địa phương, trong nhiều gia đình, vấn đề giáo dục giới tính vẫn được xem là “nhạy cảm”, tránh đề cập. Nhiều phụ huynh chủ quan, mải mê mưu sinh, thường xuyên để con ở nhà một mình, thiếu quan tâm, trang bị, hướng dẫn con những kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân… dẫn đến việc trẻ dễ rơi vào các bẫy dụ dỗ của những kẻ đồi bại.
Bà Trần Thị Hoài Hương - Trưởng Phòng LĐTBXH quận Long Biên (Hà Nội) cho biết: Xâm hại trẻ em thể xảy ra đối với bất kỳ trẻ em ở độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, diễn ra từ thành thị đến nông thôn. Trẻ có thể bị xâm hại ngay dưới mái trường, tại cộng đồng dân cư hoặc thậm chí trong chính ngôi nhà của mình. Liên tiếp các vụ việc được báo chí đưa ra công luận thời gian qua là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh và toàn xã hội cần lập tức hành động để bảo vệ con em mình trước những nguy cơ bị xâm hại. Trách nhiệm phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cần đảm bảo có sự tham gia của các cơ quan quản lý. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tiến hành ngay việc giám sát, kiểm tra, thanh tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở giáo dục trẻ em trên địa bàn không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện tình yêu thương trẻ em.
Ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng và nhà trường, phụ huynh là những người gần gũi nhất cần thường xuyên quan tâm, trao đổi tâm tư, tình cảm, sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy hiểm và cách tự bảo vệ mình. Đặc biệt, khi phát hiện con em mình bị xâm hại, không nên im lặng, cần trình báo ngay với các cơ quan chức năng và đưa trẻ đến các địa chỉ để được tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý... Việc tố cáo sớm giúp các cơ quan chức năng có biện pháp điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ chứng cứ để xử lý tội phạm, ngăn chặn kẻ phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, để bảo vệ trẻ em thì mỗi cá nhân hãy tỏ rõ thái độ bài trừ tội phạm xâm hại trẻ em, tích cực phát hiện, lên tiếng, tạo làn sóng dư luận xã hội mạnh mẽ. Việc xử lý các trường hợp dâm ô, xâm hại trẻ em cần phải thật nghiêm minh, kiên quyết, không bao che, để lọt tội phạm. Và quan trọng là các cơ quan chức năng phải coi việc tìm lại công bằng, đưa ra ánh sáng những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em là sứ mệnh của mình nhằm bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước. Đây còn là nhận thức về sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội, đề cao nền tảng giá trị văn hóa trong sự phát triển.
Cộng đồng xã hội cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, giám sát, kiểm tra thực thi pháp luật liên quan tới quyền trẻ em của cơ quan chức năng.
Hồng Lĩnh/TC GĐ&TE