Ông Lại Văn Bé Chín, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tổng nguồn vốn của chi nhánh hiện nay là hơn 3.450 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương chuyển là hơn 2.600 tỷ đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương gần 440 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương gần 410 tỷ đồng.
Hiện có 12 chương trình cho vay với gần 152.000 hộ vay còn dư nợ, bình quân 22,5 triệu đồng/hộ, với gần 3.300 tổ tiết kiệm và vay vốn. Cùng với tổng dư nợ tăng thì tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp ngày càng giảm, đến ngày 30/6/2020 chưa tới 09 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,25%), giảm gần 29 tỷ đồng so với năm 2011.
Tuy nhiên theo ông Chín, hiệu quả phối hợp giữa hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm tại một số địa phương chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách còn hạn chế; việc sắp xếp tổ chức bộ máy của tổ chức Hội đoàn thể các cấp cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng quản lý ngồn vốn tín dụng chính sách xã hội của các Hội đoàn thể.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp xem xét nguồn vốn Trung ương phân bổ cũng như nguồn vốn địa phương ủy thác để hỗ trợ cho người dân.
Ông Bửu đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam xem xét chính sách hỗ trợ đối tượng này; đồng thời kiến nghị tiếp tục thực hiện chương trình cho hộ mới thoát nghèo vay vốn, chương trình vay vốn để thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình cho những hộ có mức sống trung bình vay vốn để hạn chế phát sinh tín dụng đen.