Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending).
P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P Lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.
Ở Việt Nam, gần đây đã xuất hiện một số công ty cung ứng dịch vụ tương tự như mô hình các công ty vận hành P2P Lending trên thế giới. Thực tế hoạt động của mô hình này trong thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.
Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động P2P Lending còn tiềm ẩn rủi ro như: thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp…
Một rủi ro khác cũng được đề cập ở tình huống nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen "núp bóng" các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được quy định tại điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép là vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các tổ chức tín dụng) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.
"Trước những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các nền tảng P2P Lending như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P Lending, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng", Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.