Ảnh minh họa.
Có tới 16 triệu trẻ em trên thế giới trong độ tuổi 15 - 19 sinh con hàng năm. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300,000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên (theo con số của hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam). Khảo sát của Quỹ dân số Liên hợp quốc cho thấy hơn 30% thanh niên Việt Nam gặp khó khăn khi tìm kiếm những thông tin và dịch vụ về SKSS và có tới 34% thanh niên trẻ chưa lập gia đình đang có nhu cầu tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Đặc biệt người dân di cư từ các tỉnh về thành phố thường gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Hơn nữa, dịch vụ sẵn có ở bệnh viên hay phòng khám thường không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng vị thành niên. Hậu quả dẫn đến một tỉ lệ cao các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn xảy ra ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh niên và những người chưa lập gia đình.
Việc sinh con ngoài ý muốn do thiếu hiểu biết và không được tiếp cận với các thông tin và dịch vụ về SKSS sẽ gây áp lực một cách đáng kể đến sức khỏe, khả năng tài chính, nguồn lực của mỗi gia đình và triển vọng cho tương lai của họ. Các biến chứng trong khi mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, và những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên cũng thường gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn các trẻ em khác. Việc được tiếp cận với các kiến thức và biện pháp tránh thai sẽ giúp cho phụ nữ trẻ và trẻ em gái trì hoãn được việc mang thai lần đầu, từ đó sẽ làm giảm đi số lượng ca mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, đồng thời giảm nguy cơ tử vong trong thai kỳ.
Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, trưởng đại diện tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam cho biết: “Lứa tuổi vị thành niên là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Đây là thời gian họ phải trải qua nhiều thay đổi về thể chất và tâm sinh lí. Vượt qua giai đoạn này một cách an toàn sẽ giúp họ có cơ hội học tập và phát triển trong suốt cuộc đời còn lại. Chính vì vậy, trang bị kiến thức chính xác để vị thành niên và thanh niên tự bảo vệ mình trước việc mang thai và sinh con ngoài ý muốn cần được đặt thành ưu tiên hàng đầu. Khi phụ nữ và các trẻ em gái được tiếp cận với các biện pháp tránh thai một cách toàn diện, số bé gái bỏ học hay bị lỡ mất cơ hội học tập và phát triển vì mang thai ngoài ý muốn và số ca tử vong mẹ sẽ giảm đi đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm nguồn lực lao động cho quốc gia. Có thể thấy việc đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhất là cho thanh niên trẻ, là một trong những chiến lược thông minh và sáng suốt nhất mà một quốc gia có thể làm.”
Ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn thông qua giáo dục, cung cấp thông tin và các dịch vụ tránh thai là việc làm tối cần thiết nhằm cải thiện sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em gái đồng thời cải thiện phúc lợi kinh tế và xã hội cho những đối tượng này. Với hơn 25 triệu phụ nữ Việt Nam đang trong độ tuổi sinh sản, với tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn trong nhóm thanh niên và vị thành niên còn ở mức cao như hiện nay, cần có nhiều nỗ lực hành động một cách hiệu quả hơn nữa để đảm bảo rằng mọi phụ nữ trẻ đều có quyền lựa chọn khi sinh con và làm chủ được tương lai của mình. Quyền kiểm soát được mức sinh của bản thân là quyền cơ bản của mỗi con người và cần phải được ưu tiên hàng đầu trong mọi chương trình phát triển vì quyền của người phụ nữ.