Đào tạo một đằng, nhu cầu một nẻo
“Đặc thù của ngành phần mềm là ngành sản xuất, tức là người lao động phải biết tạo ra sản phẩm, và sản phẩm đó phải bán được ra thị trường. Trong khi chương trình đào tạo ở các trường hiện nay chỉ thiên về đào tạo kỹ sư lý thuyết, chưa thực sự chú trọng đào tạo kỹ sư sản xuất. Vì vậy đa phần sinh viên ra trường khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN), chưa kể nhiều sinh viên thiếu ngoại ngữ và kỹ năng mềm khác”, ông Vy Văn Việt, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và công nghệ iViettech phân tích.
Theo các chuyên gia phần mềm, chính vì đào tạo một đằng, nhu cầu một nẻo, không sát yêu cầu thực tế, nên nhiều sinh viên ra trường không thể lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng vì thiếu các kỹ năng, kỹ thuật cơ bản, như làm đồ án, phát triển sản phẩm, phân tích và thiết kế... Theo Hiệp hội phần mềm (HHPM) Đà Nẵng, khoảng 3.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp trong năm 2015 thì chỉ 20% làm được việc, 80% còn lại DN phải đào tạo bổ sung. Không những thế, chính sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao đã dẫn đến tình trạng tranh giành nhân lực giữa các DN, tỷ lệ người lao động nhảy việc ngày càng cao, gây khó khăn cho hoạt động của DN; đồng thời làm tăng giá nhân công lao động, giảm năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của ngành với các nhà đầu tư.
Doanh nghiệp CNTT “khát” nhân lực chất lượng cao.
Rất nhiều CEO các tập đoàn, Cty hoạt động trong lĩnh vực CNTT than thở, nhân lực ngành CNTT mặc dù được trả lương cao nhưng “bói” không ra người giỏi. Dù đổ tiền đào tạo, tăng lương... nhưng vẫn không đủ cầu và nhân lực CNTT luôn làm “điên đầu” các ông chủ DN số. Theo ước tính của VietnamWorks, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT mỗi năm và đến năm 2020 Việt Nam cần 1,2 triệu nhân lực CNTT, lúc đó sẽ thiếu hơn 500.000 người, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực CNTT thị trường cần.
Trả lương cao vẫn không tuyển đủ nhân lực
Theo khảo sát mới đây của HHPM và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), nhân sự mới ra trường ngành CNTT đã có mức lương khoảng 250 - 280 USD/tháng. Nhân sự đã có 3 năm kinh nghiệm là 400 - 600 USD/tháng, cấp trưởng phòng khoảng 800 - 1.000 USD/tháng và các lãnh đạo cao cấp có thu nhập 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Nghiên cứu của JobStreet.com về thị trường lao động tại Việt Nam cũng cho thấy, nhân sự làm việc trong lĩnh vực CNTT nhận mức lương trung bình 18,86 triệu đồng/tháng và đứng thứ 3 trong top 10 các ngành có mức lương cao nhất (sau y tế và thư ký, trợ lý, điều hành). “Thu nhập của kỹ sư CNTT hiện nay cao hơn thu nhập bình quân của Việt Nam khoảng 4 - 5 lần. Nhưng lương chưa phải là tất cả để có thể giữ chân nhân sự chất lượng cao. Các DN cần có chính sách lương phù hợp và các chế độ đãi ngộ khác ngoài lương.
Đặc biệt, các DN cần chỉ ra cho nhân viên thấy con đường nghề nghiệp rõ ràng, để nhân viên biết rõ những mục tiêu, những bước thăng tiến họ có thể đạt được trong sự nghiệp, để yên tâm làm việc. Ngoài ra, các yếu tố khác như văn hoá DN, hoạt động đoàn thể, tạo môi trường làm việc, ưu đãi khác... để có thể thu hút và giữ chân được nhân sự chất lượng cao”, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA cho biết.
Hiện nay trong ngành CNTT có khoảng gần 200.000 kỹ sư đang làm việc. Trước đây, các công việc tại Việt Nam chủ yếu là lập trình (coding) hoặc kiểm thử (testing), nhưng đến nay nhiều Cty đã đảm nhận các công việc ở tầm cao hơn, như thiết kế hệ thống, nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn có một số điểm yếu như trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý dự án…), kiến thức xã hội thiếu và yếu.
HHPM Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố có hơn 100 DN phần mềm thường xuyên đăng tải nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động CNTT, nhất là ngành phần mềm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, trên trang thông tin điện tử “Việc làm CNTT tại Đà Nẵng” đã đăng tải 1.600 lượt tuyển dụng kỹ sư phần mềm. Nhu cầu tuyển dụng kỹ sư CNTT tăng cao là thế, song thị trường lao động ở Đà Nẵng lại không theo kịp đà tăng trưởng của DN. Nhiều DN đang loay hoay với bài toán không đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho những dự án xuất khẩu “triệu đô”.
Rõ ràng “cơn khát” nhân lực CNTT của các DN Việt Nam ngày càng cấp thiết. Và có thực tế là đào tạo nhân lực CNTT của Việt Nam tuy nhiều, nhưng chất lượng không cao, không đồng đều. Dù trả lương cao vẫn không thể tuyển đủ lượng thiếu hụt, nên vấn đề cần giải quyết không phải là lương mà là đào tạo nhân lực. Chỉ khi có chiến lược, kế hoạch và chương trình đào tạo phù hợp, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN, thì khi đó mới có thể giải được phần nào cơn khát nhân lực CNTT.