Các ý kiến thảo luận, trao đổi trong tọa đàm xoay quanh 5 lĩnh vực chính trước “cơn sốt ChatGPT”. Bao gồm: Cần có chính sách tạo hành lang quản lý ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn; xây dựng hạ tầng số đảm bảo thu hẹp khoảng cách trong giáo dục; cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục; đào tạo hiệu quả cán bộ quản lý và giáo viên trong việc thích ứng và sử dụng công nghệ; xây dựng khung năng lực số dành cho học sinh.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của các công nghệ, công cụ mới đều giúp cho công việc của con người thuận tiện, dễ dàng hơn. Với giáo dục, công nghệ thông tin giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, như việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong thời kỳ Covid-19.
Bộ GD&ĐT giao cho Viện Khoa học giáo dục tổ chức Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” để cùng các chuyên gia công nghệ, chuyên gia giáo dục từng bước nhìn rõ bản chất về công nghệ và thảo luận về việc quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế của công cụ này nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung; cũng như để hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này.
Ứng dụng khoa học công nghệ giúp cho ngành Giáo dục có những bước tiến lớn. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: “Chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành Giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. Đặc biệt quan trọng là cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học”.
Người thầy, người học, chính sách của Nhà nước sẽ phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để tận dụng được những lợi thế và giảm thiểu những tác động tiêu cực, những mặt trái của công nghệ mang lại? Đó là những nội dung mà Bộ GD&ĐT mong muốn các chuyên gia quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục, các thầy cô giáo từ các trường đại học, các viện nghiên cứu và trong xã hội cùng thảo luận cởi mở. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu thấu đáo, từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Toạ đàm bao gồm hai chủ đề thảo luận: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục và Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Điều phối các phiên tọa đàm là GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Chủ đề thảo luận Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục có sự tham dự của PGS. TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội; TS. Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX; ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam và TS. Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục.
Chủ đề thảo luận Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục có tham dự của PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.