Nhân dịp năm mới, Phóng viên Báo Lao động và Xã hội đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bé Mười GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre xung quanh vấn đề về giảm nghèo, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công và một số lĩnh vực khác trong ngành trong năm 2020.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!
Phóng Viên: Được biết, năm 2019 ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre đã thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ của ngành. Bà có thể cho biết khái quát về kết quả này?
Bà Nguyễn Thị Bé Mười: Năm 2019, với tinh thần "Tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá", ngành LĐ-TB&XH đã chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Qua đó hầu hết chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra như: giải quyết việc làm đạt 114,73%; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đạt 126,41%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước còn 3,36% (KH 3,36%); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,53% (KH 58%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,65% (KH 29%); tỷ lệ giảm nghèo còn 4,76%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em ước đạt 84,76% (KH 84,76%); thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, người cao tuổi, khuyết tật, các đối tượng bảo trợ xã hội và cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy.
Phóng viên: Thưa bà, sau nhiều nỗ lực và quyết tâm, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảng xuống còn 4,59% . Để đạt được kết quả vượt chỉ tiêu đề ra, ngành LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì?
Bà Nguyễn Thị Bé Mười: Thời gian qua, tỉnh tập trung các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong dân, tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn nhất để giảm nghèo nhanh, bền vững. Sở Lao động TB&XH chủ động phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do Ngành làm chủ.
Cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 23.470 hộ nghèo, tỷ lệ 6,08%, trong đó hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập 16.163 hộ, hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản 7.407 hộ (giảm 6.867 hộ, 1,84%) và 17.695 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,58% (tăng 109 hộ, tỷ lệ 0,08%).
Công tác giảm nghèo được tập trung thực hiện với nhiều giải pháp, đã tham mưu Ban Chỉ đạo ban hành 06 kế hoạch, 01 hướng dẫn, 03 văn bản chỉ đạo về công tác giảm nghèo và thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo; các huyện, thành phố đã tổ chức 89 buổi họp mặt, đối thoại với 5.299 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 43 buổi họp mặt, đối thoại với 4.998 người nghèo, người cận nghèo tại 19 xã điểm thực hiện Đề án sinh kế và 30 xã thuộc dự án AMD; tổ chức 66 lớp tập huấn cho 4.430 lượt đại biểu; xây dựng 84 mô hình giảm nghèo, với 685 hộ tham gia.
Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo như: y tế, nhà ở, nước sạch, vốn vay, giáo dục.v.v...Qua kết quả điều tra sơ bộ, cuối năm 2019 toàn tỉnh còn 18.186 hộ nghèo, tỷ lệ 4,59% (giảm 5.284 hộ, tỷ lệ giảm 1,49% so với đầu năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Phóng viên: Bến Tre là địa phương luôn được đánh giá cao trong hoạt động Đền ơn đáp nghĩa. Xin bà cho biết những kết quả đã đạt được.
Bà Nguyễn Thị Bé Mười: Bằng nghĩa tình và trách nhiệm, tỉnh đã và đang tiếp tục làm hết sức mình nhằm ổn định, nâng cao mức sống của gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Cụ thể, trợ cấp ưu đãi hàng tháng kịp thời trên 23.000 người có công, tiếp nhận mới và giải quyết 2.292 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách người có công; lập hồ sơ đề nghị và được truy tặng 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nâng tổng số Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn tỉnh là 6.877 mẹ (có 311 mẹ còn sống); thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình 8.163 người có công và đưa 796 người có công đi điều dưỡng tập trung tại Côn Đảo, Phú Quốc, Bình Thuận, Đà Lạt.
Công tác chăm lo tết cho người có công với cách mạng được thực hiện tốt, toàn tỉnh đã chi 53.997 suất quà tết tặng gia đình chính sách, kinh phí 17,91 tỷ đồng; nhân dịp kỷ niệm 72 năm ngày thương binh - liệt sĩ, toàn tỉnh đã trao tặng 81.292 suất quà tặng gia đình chính sách, kinh phí trên 16 tỷ đồng. vận động hỗ trợ xây dựng mới 293 căn nhà tình nghĩa, kinh phí 14,34 tỷ đồng, đạt 195,3% kế hoạch năm và sửa chữa 03 căn, kinh phí 85 triệu đồng; phối hợp các sở, ngành, đoàn thể khảo sát hộ nghèo thuộc diện người có công và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp hỗ trợ nâng cao mức sống người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ được chăm lo chu đáo, đảm bảo phục vụ tốt cho các cấp, các ngành và thân nhân đến thắp hương, tưởng niệm liệt sĩ; xây dựng Đề án thành lập Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre theo hướng thống nhất quản lý tỉnh, huyện, xã.
Phóng Viên: Được biết, năm 2019, Bến Tre đã tạo được đột phá trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Bà có thể chia sẻ thêm về hoạt động này!
Bà Nguyễn Thị Bé Mười: Công tác XKLĐ luôn được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo. Các chủ trương, chính sách liên quan XKLĐ được tuyên truyền đến từng tổ nhân dân tự quản trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, người lao động nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tư vấn việc làm nghề nghiệp và đi làm việc ở nước ngoài cho 34.929 lượt người lao động; tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ sáu hàng tuần thông qua Sàn Giao dịch việc làm và tại các huyện, với 774 lượt doanh nghiệp và 13.339 lượt lao động tham gia. Toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 20.652 người, đạt 114,73%, trong đó: Qua phát triển kinh tế và các giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm tại địa phương là 12.750 người; lao động xuất cư đi làm việc ngoài tỉnh là 6.376 người và lao động đi làm việc ở nước ngoài là 1.517 người, đạt 126,41%.
Phóng viên: Bước sang năm 2020, bà có thể cho biết định hướng của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre sẽ tập trung vào những nội dung trọng tâm nào và giải pháp thực hiện?
Bà Nguyễn Thị Bé Mười: Tập trung thực hiện chủ đề "Bứt phá về đích" theo Nghị quyết Tỉnh ủy, nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.
Trong đó trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Chú trọng giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người có công và đối tượng bảo trợ xã hội, phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng nhà ở cho gia đình người có công đang gặp khó khăn về nhà ở. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương và đoàn thể về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, can thiệp, hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu: Tạo việc làm mới 18.000 lao động; Đưa 1.200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 3,34%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt trên 60%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 4%.
Đảm bảo 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân; phấn đấu 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công. Phấn đấu thực hiện 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; trên 85% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; Trên 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 85% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
Trước thềm năm mới, tôi xin kính chúc Ban Biên tập, phóng viên cùng bạn đọc mạnh khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng./.
Trân trọng cảm ơn bà!