Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình: Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Trong khí thế thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH (28/8/1945 - 28/8/2015), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ LĐ - TB&XH, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, đặc biệt với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, nhân viên, ngành LĐ - TB&XH Ninh Bình ngày càng phát triển và lớn mạnh. Trong những ngày cuối tháng 5 này, niềm vui dường như được nhân lên khi Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình tổ chức Hội nghị nhân điển hình tiên tiến và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Trách nhiệm và công tâm trong công tác an sinh xã hội  

                 Phát huy truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, những năm gần đây tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo quyết liệt, vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo được bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội; trong đó, ngành Lao động- Thương binh & Xã hội của tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả, với những bước đột phá, làm chuyển biến tiến bộ rõ nét trong công tác lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chương trình giảm nghèo, chăm lo chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, từng bước nâng cao đời sống của đối tượng chính sách và nhân dân trong tỉnh.

Với tinh thần đổi mới, đoàn kết nhất trí, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tập thể CBCC, VC toàn ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Ninh Bình được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là một trong những tỉnh triển khai sớm và thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công và Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được sửa đổi, bổ sung năm 2012.

Đã đẩy nhanh việc xác lập hồ sơ, giải quyết chính sách cho trên 20.000 đối tượng được hưởng chính sách mới, đảm bảo kịp thời, chính xác, đúng đối tượng; trong đó đã hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh trình Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng cho 731 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 98,5% gia đình chính sách người có công, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh liệt sỹ, người có công.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà trao cờ thi đua xuất sắc 

Trong giai đoạn này, cùng với việc bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình còn phối hợp giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội. Công tác giảm nghèo được thực hiện bền vững, có hiệu quả. Người nghèo ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như, chữa bệnh, học hành, nhà ở, điện, nước sinh hoạt, văn hoá, thông tin và truyền thông…

Ngành đã tham mưu cho tỉnh hỗ trợ gần 50 tỷ đồng tiền điện cho các hộ nghèo; hỗ trợ miễn giảm học phí cho gần 13.000 học sinh nghèo với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng; phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp hơn 446.000 thẻ BHYT cho người nghèo; 12.369 người nghèo được hỗ trợ học nghề; 23.728 người nghèo được tập huấn các lớp khuyến nông, khuyến ngư...

Tính đến năm 2015, toàn tỉnh đã vận động được trên 56 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “vì người nghèo”; vận động xây mới, sửa chữa trên 4.000 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở...Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh liên tục giảm, từ 12,4% năm 2010 xuống còn 3,92% năm 2014 (dự kiến năm 2015, còn dưới 3,5%, vượt chi tiêu đề ra). Đã huy động các nguồn lực để phẫu thuật  miễn phí cho 326 trẻ em thuộc diện gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị mắc bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi, hở vòm họng.

Với việc thực hiện tốt các chương trình tạo việc làm, phát triển lao động kết hợp với thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, các làng nghề, tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn... toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 93.397 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 25 đơn vị đủ điều kiện dạy nghề, đã tổ chức dạy nghề cho 80.615 lao động, tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề liên tục tăng, từ 28% năm 2009, tăng lên 38% năm 2014.

Phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

         Ở Ninh Bình, những thành qủa đạt được trong những năm gần đây, không chỉ là sự cố gắng vượt bậc của toàn thể CBVC ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình mà còn là niềm tự hào của toàn ngành đã góp phần tác động mạnh mẽ đến đời sống của các đối tượng người có công, hộ nghèo và các đối tượng yếm thế trong xã hội, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.

Thành quả ấy đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận qua các thời kỳ và đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động Hạng nhì, Cờ thi đua, Bằng khen của Bộ LĐTB&XH, của UBND tỉnh Ninh Bình. Liên tục nhiều năm liền Đảng bộ được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể luôn được công nhận là đoàn thể vững mạnh và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Đặc biệt là năm 2015, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động Hạng nhất theo quyết định số 1595/QĐ-CTN ngày 28/9/2014 của Chủ tịch nước. Đây là nguồn động viên, cổ vũ to lớn để ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Giám đốc Sở LĐTB&XH Ninh Bình Nguyễn Phong Phú

         Năm 2015, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình phấn đấu GQVL mới cho gần 20.000 lao động, đào tạo nghề cho 20.000 lao động, tỷ lệ qua đào tạo nghề đạt 40%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,5%, đảm bảo 100% hộ gia đình chính sách, NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân của người dân nơi cư trú...

Trong những năm tới Ngành LĐ- TB&XH Ninh Bình nguyện tiếp tục phấn đấu đổi mới, năng động, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình Nguyễn Phong Phú cho biết:

“Chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, với sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất, đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Có được vinh dự này, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ thường xuyên, có hiệu quả của Lãnh đạo Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình và các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh đã luôn sát cánh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất, giúp chúng tôi hoàn thành suất sắc nhiệm vụ.

Chúng tôi cũng vừa hoàn thành xuất bản cuốn sách “ Lịch sử ngành Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình (1945-2015)” nhằm tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiêp Lao động- Thương binh và Xã hội.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, trong những năm tới, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, tiếp tục đổi mới vươn lên, thực hiện chức năng, nhiệm vụ ngày càng tốt hơn”.

Thành tích đã được khen thưởng:

- 5 năm liền (2010-2014) Sở LĐTB & XH Ninh Bình đều đươc khen thưởng, trong đó có 4 năm được Bộ LĐ-TB&XH hội tặng Cờ thi đua suất sắc.

- Năm 2014 Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình được tặng Huân chương Lao động Hạng nhất.

- Năm 2010 Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Nho Quan được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

- Năm 2012 Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng Tam Điệp được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng ba.

- Từ 2010 đến nay có 76 tập thể trực thuộc sở được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 1 cá nhân được tặng Huân chương Lao động Hạng ba; 5 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 2 cá nhân được công nhận chiến sỹ thi đua cấp tỉnh; 160 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Lao động LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 80 cá nhân được Giám đốc sở tặng Danh hiện chiến sỹ thi đua; 78 cá nhân được tặng Giấy khen…

ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN GIAI ĐOẠN 2010-2015 CỦA NGÀNH LĐ-TB&XH NINH BÌNH

  Trưởng phòng NCC Vũ Việt Thúy

Thực hiện chính sách NCC thường xuyên, liên tục, và chu đáo

       Trong 5 năm qua, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình đã quyết liệt tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các tồn đọng từ những giai đoạn trước, gây băn khoăn, bức súc cho đối tượng và nhân dân như: Vấn đề thực hiện chính sách đối với cựu thanh niên xung phong; vấn đề xác nhận, giải quyết chính sách liệt sỹ, thương binh…

Nhiều trường hợp cán bộ chính sách đã phải lội ngược lại dòng thời gian, đi tìm chứng cứ, rất công phu, vất vả để xác nhận và đã giải quyết được chính sách ưu đãi cho đối tượng.

Đến nay về cơ bản các tồn đọng đã được giải quyết xong. Đồng thời toàn ngành đã tập trung cao độ để giải quyết chính sách ưu đãi cho một số lượng lớn đối tượng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công và Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mới được sửa đổi, bổ sung năm 2012.

Đến nay,  gia đình chính sách NCC, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận là đơn vị làm tốt công tác TB, LS, NCC. Ninh Bình được Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao, là tỉnh làm tốt và triển khai sớm, có hiệu quả đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách NCC so với toàn quốc. 

 Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em Nguyễn Thị Thu Hằng

Trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ và yêu thương

 Phong trào thi đua chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong 5 năm qua được tập trung phát động theo hướng nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư và các tổ chức chính trị - xã hội, khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho hoạt động và công trình dành cho trẻ em.

Các phong trào thi đua như: “Chung tay hành động để bảo vệ trẻ em lao động, phòng chống và xóa bỏ lao động trẻ em”; “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số”; “Trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập” đã mang lai hiệu quả tích cực.

Phong trào “vì trái tim và nụ cười trẻ thơ” được quan tâm; ngành đã huy động các nguồn lực để phẫu thuật  miễn phí cho trên 326 trẻ em thuộc diện gia đình nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị mắc bệnh tim bẩm sinh, khuyết tật vận động, trẻ em sứt môi, hở vòm miệng. Bệnh viện Chỉnh hình PHCN Tam Điệp đã vươn lên đủ sức đảm nhiệm việc phẫu thuật cho trẻ em bị khuyết tật vận động.

Đến nay, toàn tỉnh có 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em dưới 6 tuổi được bảo vệ, chăm sóc, được tiếp cận các dịch vụ y tế miễn phí.

Trưởng phòng Lao động tiền lương Phạm Ngọc Phúc

Thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo an toàn lao động

Trong giai đoạn này, phong trào thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, nâng cao hiệu quả công tác an toàn lao động được tập trung vào tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật lao động; xây dựng, đăng ký thang bảng lương, quy chế trả lương, nội quy lao động, ký kết thoả ước lao động tập thể… vì vậy không có doanh nghiệp nào trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Từ năm 2010 đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình tốt như mô hình “xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giải quyết các vụ tranh chấp lao động và đình công diễn ra không theo đúng trình tự của pháp luật quy định”, giúp giải quyết nhanh chóng - dứt điểm, giảm thiểu thiệt hại do các vụ đình công xảy ra, giảm số vụ đình công, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Mô hình “Áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ” đã nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động trong các doanh nghiệp, giảm thiểu được tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Hàng năm, ngành đã chủ động Tham mưu cho Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ của tỉnh tổ chức thành công Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động. Tổ chức truyền thông về bảo hộ lao động đến các doanh nghiệp; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho trên 21.000 lao động, người sử dụng lao động và cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động./.

 Giám đốc TT DVVL Ninh Bình Đào Thanh Hải

TT DVVL Ninh Bình luôn là địa chỉ tin cậy cho người lao động 

Trong những năm qua, Trung tâm DVVL tỉnh Ninh Bình là một trong những địa chỉ tin cậy và uy tín đối với người lao động trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Với phương châm “Uy tín, chất lượng” trong công tác giới thiệu việc làm, đào tạo nghề. Trung tâm đã thu hút hàng nghìn lao động tìm về Trung tâm để đăng ký tham gia học nghề nào, trường nào và được tư vấn tìm cho mình một nghề phù hợp với khả năng.

Đến nay, đã tư vấn cho trên 11.000 lượt  người. Công tác GTVL được đặc biệt quan tâm từ việc tạo nguồn cầu lao động ở các doanh nghiệp đến việc thông báo các chỉ tiêu tuyển dụng, vị trí việc làm để người lao động tham khảo, lựa chọn, kết quả đã giới thiệu việc làm cho 4.179 lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đã tổ chức 30 phiên giao dịch việc làm trong đó có 2 phiên giao dịch lưu động tại địa  phương. Đã có 355 lượt doanh nghiệp, trường nghề tham gia giao tiếp với 36.700 chỉ tiêu tuyển dụng trực tiếp tại Sàn. Thông tin tuyển dụng từng phiên còn được đăng trên Facbook-dichvuvieclamninhbinh trang mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến... từ đó thông tin đã đến được với nhiều người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, kết quả đã có trên 8.500 lượt người đến khai thác thông tin, tham dự phỏng vấn trực tiếp tại sàn trong đó có gần 4.200 người nộp hồ sơ tuyển dụng trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm.

Kết quả trên cho thấy việc thực hiện giao dịch việc làm thông qua Sàn GDVL đã khẳng định tính mở, tính công khai và được điều tiết bởi cơ chế của thị trường lao động, Sàn GDVL thực sự là địa chỉ tin cậy, là cầu nối hiệu quả của người lao động và người sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh. 

Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và PHCN Tam Điệp Vũ Văn Trình

Mô hình mới phù hợp với thực tiễn

Bệnh viện CH&PHCN Tam Điệp tiền thân là Xí nghiệp Chỉnh hình Tam Điệp, trải qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, bệnh viện đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình, trở thành một trong những cơ sở chỉnh hình và phục hồi chức năng có uy tín trong khu vực.

Từ một Trung tâm Chỉnh hình, điều dưỡng, phục hồi chức năng Tam Điệp, nhưng lại với quy mô, chức năng và vị thế của một bệnh viện. Trước nhu cầu thực tiễn như vậy, cuối năm 2014 đã được UBND tỉnh Ninh Bình cho phép chuyển đổi và nâng cấp thành Bệnh viện CH&PHCN, một mô hình mới phù hợp với thực tiễn có chức năng khám, chẩn đoán, điều trị phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các đối tượng bệnh nhân các dạng bệnh khuyết tật, dị tật hệ vận động....

Đây là một bước ngoặt để Bệnh viện CH&PHCN bước sang một trang mới, tạo tiền đề để phát triển và trưởng thành hơn nữa trong những năm tiếp theo. 

Trưởng phòng kế hoạch tài chính Nguyễn Hữu Dũng

Thực hiện chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho các đối tượng chính sách

Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH Ninh Bình đã lựa chọn cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của "Bộ phận một cửa" và "Một cửa liên thông" theo hướng hiện đại. Ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ để quản lý, tra cứu dữ liệu hồ sơ người có công; phần mềm nhập, quản lý khai thác thông tin cung - cầu lao động; phần mềm quản lý tài chính... nhằm quản lý, làm việc khoa học hơn, tiết kiệm thời gian, tài chính và tăng năng suất lao động trong công việc. Đặc biệt là trong công tác tài chính, việc quản lý các vấn đề thu - chi cũng mang tính khoa học, chính xác.

Chính vì thế mà trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH Ninh Bình luôn thực hiện đúng phương châm: “Chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho các đối tượng chính sách”. Và cũng chính điều này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân và các đối tượng chính sách trong toàn tỉnh. 

Giám đốc TT chữa bệnh – giáo dục LĐXH Ninh Bình Trần Xuân Trường

Vượt qua khó khăn để vươn lên tầm cao mới 

Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, TT chữa bệnh – giáo dục LĐXH Ninh Bình đã vượt qua mọi khó khăn để vươn lên tầm cao mới. Đã không ngừng phát triển, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với chức năng và nhiệm vụ là cai nghiện và phục hồi sức khoẻ cho các đối tượng nghiện ma tuý, nên các đối tượng khi được đưa vào TT sức khoẻ yếu và bị mắc các bệnh về phổi, gan, đường ruột, thậm chí là HIV nên TT đã tổ chức thăm khám thường xuyên và định kỳ cho các đối tượng.

Năm 2014, TT đã thực hiện được 2 không: Không có học viên bỏ chốn, không có bạo lực xảy ra. Với thành tích đạt được, năm 2014 TT được UBND tỉnh Ninh Bình tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai, nhiệm vụ được giao vẫn còn hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, song với sự đoàn kết, thống nhất cùng với sự vươn lên, cán bộ, nhân viên TT sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình, đem tất cả cái tâm, sức lực và tinh thần trách nhiệm để xây dựng đơn vị ngày càng phát triển bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.