TPHồ Chí Minh ngập úng kinh hoàng sau cơn mưa kỷ lục cách đây tròn một tháng (15/9).
Quy hoạch lạc hậu
ĐB Nguyễn Văn Lành cho rằng, quy hoạch nhiều lĩnh vực còn thiếu công khai, minh bạch. Tình trạng ngập úng nặng nề chính là hậu quả của công tác quy hoạch. Nhiều năm có lúc chúng ta nói phát triển đô thị về hướng Đông Nam, lúc lại nói hướng Tây Bắc. Thực tế, phát triển về hướng Đông Nam đã lộ nhiều vấn đề phức tạp do thu hẹp không gian chứa nước, bóp hẹp dòng chảy, làm phát sinh sụt lún và ngập nước.
ĐB Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4 nhớ lại: 15 năm trước khi tôi tham gia thiết kế tuyến đường Võ Văn Kiệt, đường Bến Vân Đồn (quận 4), các cơ quan dự báo đỉnh triều cường chỉ 1,15 m và thiết kế mặt đường Võ Văn Kiệt, đường Bến Vân Đồn cao hơn 50 cm. Hiện nay, đỉnh triều đã lên 1,5 mét, có lúc vọt lên 1,7 m, cao hơn mức dự báo khi ấy gần 70 cm. Chỉ sau 15 năm, thiết kế hai tuyến đường trên đã không còn phù hợp. “Quận 4 mỗi năm dự trù kinh phí hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng chống ngập nhưng chỉ nâng đường, nâng hẻm chạy theo triều cường. Các giải pháp này chỉ mang tính tình thế và gây lãng phí rất lớn”, ông Quân cho hay.
ĐB Ngô Văn Triển (Ban Dân tộc TP) nói, muốn TPHồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, trước hết cần làm tốt công tác dự báo. Hiện nay công tác dự báo đang rất yếu kém, thiếu chính xác, việc đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp giải quyết các vấn đề bức xúc như ngập úng, kẹt xe, ô nhiễm, quá tải bệnh viện sẽ rượt đuổi và không bao giờ theo kịp thực tế.
Theo ĐB Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP, cần đưa ra những dự báo cụ thể như 5 năm tới có bao nhiêu người nhập cư vào TP, xây bao nhiêu khu đô thị vệ tinh, phát triển hệ thống giao thông ra sao để đáp ứng nhu cầu, bao nhiêu bệnh nhân từ các tỉnh đổ về thành phố chữa bệnh để xây dựng mạng lưới bệnh viện đồng bộ…Theo bà Quỳ bây giờ giải tỏa đưa các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra ngoại thành, 5 năm sau đô thị hoá, dân cư phát triển đến nơi, không lẽ lại tiếp tục di dời?
Dẹp bỏ rào cản
Theo ĐB Ngô Minh Châu (Phó giám đốc Công an TPHồ Chí Minh), cần tăng cường công tác dự báo, đặc biệt là dự báo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Do thiếu dự báo cụ thể nên nhiều năm nay, các trường ĐH, CĐ, THCN đào tạo theo khả năng sẵn có, không quan tâm đến nhu cầu xã hội, dẫn đến hàng vạn sinh viên sau tốt nghiệp không tìm được việc làm phù hợp, gây lãng phí rất lớn.
ĐB Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy nói: Tại sao thành phố mình có thiết bị công nghệ, đội ngũ trí thức tốt như vậy, khi công bố áp dụng chỉ số công nghệ lại thua các tỉnh lân cận? Tại sao cán bộ mình luôn nói là tốt rồi nhưng người dân, doanh nghiệp lại than? Thực tế, nhiều khi người dân nộp hồ sơ đến mấy lần, khi nộp vô rồi, 10 ngày, 20 ngày sau lại kêu lên bổ sung lần nữa…
“Đã đến lúc thành phố phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm sao để thành phố trở thành nơi có môi trường đầu tư tốt nhất, dẹp bỏ những rào cản để mọi người dân tin tưởng bỏ tiền đầu tư để phát triển thành phố”, ông Thưởng nhấn mạnh.
ĐB Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP) cho rằng, chiếc áo cơ chế, chính sách đang áp dụng hiện nay với TP quá chật, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Ông Minh cảnh báo, các vụ án kinh tế lớn về tài chính phát hiện ra vụ nào thì vụ ấy sai phạm, thất thoát lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nếu không dự báo tốt, không đấu tranh kiên quyết, chỉ cần vài vụ như vậy thôi là thành quả chúng ta bỏ ra sẽ đổ sông, đổ biển hết.
Ngày16/10, Đại hội X tiếp tục làm công tác nhân sự, tiến hành bầu Ban chấp hành, Ban thường vụ Đảng bộ khóa X, bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đề xuất lập Sở Di trú quản người nhập cư ĐB Ngô Văn Triển (Ban Dân tộc TP) cho rằng, năng lực dự báo hạn chế trong thời gian vừa qua về người nhập cư vào TPHồ Chí Minh, dẫn đến tình trạng kẹt xe, quá tải bệnh viện, trường học, ngập nước, xây dựng trái phép,…diễn biến phức tạp. TPHồ Chí Minh cần nghiên cứu, lập Sở Di trú để quản lý, giải quyết nhanh và sớm những vấn đề bức xúc liên quan đến người nhập cư vào TP. |