Anh Tiến kể chuyện Lập nghe…
Anh nấu phở được lắm, em ạ. Ngày nào bảo vợ rủ bạn bè, anh dạy cho. Có ngày anh lừa được 3800 USD tiền dạy nấu phở đấy.
Nhà anh to thế, ngày mới giải phóng Thủ đô phải nhường lại (tất nhiên không có giấy tờ gì). Đã thế, mẹ anh phải giặt giũ giường chiếu, chăn màn cho cái nhà trọ phố ga, chính là nhà mình. Đau đớn. Anh còn bé phải xuống giặt giúp mẹ trong cái nắng thiêu đốt của ngày giải phóng. Anh không sao quên lũ rệp. Rệp từ giường leo vào người, vào bàn tủ chăn chiếu, lại còn hãnh diện leo lên trần nhà nhìn xuống. Coi mẹ con anh, nhà tư sản đếm trên đầu ngón tay của Hà thành ngày bình yên… như rác.
Rồi một ngày mẹ anh bị “chuyển công tác“. Đi rửa bát cho một hàng phở. Tất nhiên anh thương mẹ, đi rửa bát giúp mẹ.
Thằng cửa hàng trưởng còn bắt anh nắm than, rửa thùng phở to đùng. Hồi đó anh mê hát. Cứ rúc trong thùng phở to đùng nghêu ngao những bài ca cách mạng… Nhưng tất nhiên là của... Nga la tư. Anh đang học lớp 9 PT mà.
Hình minh họa
Mỗi sớm, thợ được nhà nước tặng một tô phở “không người lái”. Ông phụ trách chuyên môn, tức người nấu phở chính, thấy kỳ kỳ, ai cũng tô phở “không người lái”, mà khi ông đùa, lấy đũa lật lên... toàn thịt.
Là người gốc Phúc Kiến lang bạt kỳ hồ vê xứ Giao Chỉ. Dân nấu phở toàn từ Giao Cù Nam Định lên Kẻ Chợ hành nghề. Làng ông chỉ có họ Cồ. Ông giỏi nhất, trong đám phở gánh nổi tiếng Hà Thành tên Cồ Cử.
Ông Cồ Cử chú ý quan sát thấy tô phở “chính phủ cho” của anh giai em chỉ là phở ” chân chính”, không có đoạn ”ăn cắp”. Thế là, không biết sao, bốn đứa con trai thì không truyền bí quyết nấu phở, chỉ truyền cho kẻ lơ ngơ như anh.
Chỉ hai năm sau anh đã là ca sỹ khá nổi tiếng. Một hôm máu lên, anh tìm cách mời cả Công ty ăn uống Hoàn Kiếm đi xem anh hát. Ông Cồ Cử hồn nhiên đứng dậy giữa rạp.
- Ê , thằng Tiến rửa bát nhà mình kìa. Hay quá, con trai !
Thực ra anh vẫn ân hận. Bí quyết nhà Cồ, chót giao nhầm cho kẻ ngu. Giá anh cứ nấu phở thì âm nhạc Việt Nam vẫn tiến lên, có gì khác đâu.
Thời bao cấp đói chết mẹ. Anh Hiếu, chị Huyền đi hát phục vụ xong đói quá, lại bò về nhà mẹ, sai thằng em đi bắt trộm chim bồ câu của ông bác để nấu cháo. Anh leo lên mái nhà ba lầu, thò tay không vậy mà cũng bắt được. Bây giờ nghĩ lại thấy anh hùng thật. Cả thời tuổi trẻ chả thấy nghệ thuật, triết học, triết cháo gì sất, chỉ thấy thèm ăn. Rủ thằng Lưu Quang Vũ đi cướp tàu hỏa chở xe đạp gì đó của Tàu viện trợ, à xe gì nhỉ… quên rồi. Xe Phượng Hoàng. Thằng Vũ hăm hở lắm. Kế hoạch nó bày ra cứ như cao bồi viễn tây. Hôm sau đến giờ hành sự, nó lại ha hả cười. Rồi hai thằng lại bỏ hết đồng tiền cuối cùng nhờ thằng Hưng “đói” (Hoàng Hưng) đi buôn giấy ảnh bỏ đi của bộ Quốc phòng. Giấy ảnh chả thấy đâu, Thằng Hưng “đói” bị truy nã. Ông trung tướng Hữu Ước kể lại, ngày ấy vì làm đàn em các anh, loong toong mang dùm giấy ảnh mà phải đi tù 2 năm. Chả biết có đúng không.
Cuộc cãi vã đáng để ý nhất là đối đầu triết học với anh Sơn (Trịnh Công Sơn) và Duật (Phạm Tiến Duật). Tất nhiên là hai buổi riêng. Duật điên quá kêu người bỏ tù anh ở ngay nhà Trọng Khôi. Còn anh Sơn chỉ cười cười. Biết mình thua thằng con nít nên anh không chấp. Anh bảo anh Sơn cần phải nghiên cứu giao hưởng, và viết cái gì đó lớn hơn. Anh Sơn bảo: “Chịu khó học thì cũng viết được. Nhưng chưa chắc một bản giao hưởng tồi lại có thể giá trị hơn một câu hò hay.”
Anh ấy có lý em nhỉ.
Dân Sinh xin gửi tới độc giả một ca khúc trong album "Có một thời như thế"