Các nội dung tuyên truyền thông điệp tại Việt Nam là: Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái; KHHGĐ - chìa khóa thành công của chương trình DS Việt Nam; hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn; không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản vì chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình; thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh, sơ sinh vì tương lai nòi giống Việt; chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đầu tư cho công tác DS là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước...
Theo thanhnienviet, nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhấn mạnh rằng nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong vòng 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới. Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA tại cấp cơ sở có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 – 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.
Tại Hà Nội, năm 2019, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được các chỉ tiêu của TP đề ra, trong giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020, cụ thể tỷ suất sinh đạt 15,0 ‰ giảm 0,13 ‰ so với năm 2018. Số sinh con thứ 3 trở lên đạt tỷ lệ 6,5% giảm 0,1% so với năm 2018. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn TP là 113,2 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 82,48%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 75,46%; số người mới áp dụng biện pháp tránh thai 373.391 (đạt 100%). Các quận, huyện trên địa bàn TP vẫn thường xuyên tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuyên truyền, tư vấn về các biện pháp tránh thai cho phụ nữ. Duy trì và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên…
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số; quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vtv.vn thông tin.
Đứng trước sự gia tăng DS có ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống con người, tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái, Quỹ DS Liên hiệp quốc đã ra lời kêu gọi giảm sự gia tăng DS trên phạm vi toàn cầu, với tầm nhìn chiến lược về DS. Quỹ DS Liên hiệp quốc đã tổ chức hội nghị DS thế giới tại Amsterdams - Hà Lan và đã thống nhất lấy ngày 11/7 hàng năm là Ngày DS thế giới. Đây là ngày có ý nghĩa rất quan trọng, ngày đánh dấu mốc son lịch sử của loài người, là ngày mà em bé Mađêgiô Sapa, người quốc tịch Nam Tư ra đời đúng vào lúc 0 giờ 00 phút ngày 11/7/1987 mà nhân loại đã ghi vào cuốn hộ tịch thành viên thứ 5 tỷ của toàn cầu.