Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ngày 23/11, Quốc hội thảo luận hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

(Dân sinh) - Theo lịch làm việc của Quốc hội, sáng ngày 23/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng

Đại biểu Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng

Từ ngày 20 - 28/11, Quốc hội bước vào đợt 2 của kỳ họp thứ 6 với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến một số dự thảo luật, công tác phòng chống tham nhũng...

Trong tuần làm việc, Quốc hội dành 1 ngày để hảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; thảo luận ở hội trường về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về các dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Đường bộ.

Đáng chú ý, sáng thứ 5, ngày 23/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động – TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; thảo luận ở hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Trong tuần, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

7 nội dung đáng lưu ý trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo nội dung Tờ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có một số điểm nổi bật sau đây:

1. Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm để hưởng lương hưu: Không áp dụng khi nghỉ hưu sớm

Cụ thể, tại Điều 64 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.

Lưu ý: Quy định giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm chỉ áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu theo Điều 64 mà không áp dụng đối với các trường hợp nghỉ hưu quy định tại Điều 65 (trường hợp nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định).

2. Bổ sung 5 nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025

Cụ thể, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất bổ sung 5 nhóm lao động phải đóng BHXH bắt buộc gồm:

(i) Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh);

(ii) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyển trách ở cấp xã.

(iii) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương;

(iv) Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

(v) Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giảm sát của một bên, phù hợp với Bộ luật Lao động 2019.

3. Người lao động đóng BHXH sau năm 2025 sẽ không được rút một lần?

Chính phủ thống nhất báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án về hưởng BHXH một lần. Trong đó có đề xuất người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 01/7/2025) thì không được rút BHXH một lần.

4. Đề xuất tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc từ năm 2025

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước: cơ bản kế thừa quy định hiện hành, song quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương tính đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

5. Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã

6. Đóng BHXH tự nguyện vẫn có chế độ thai sản

7. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội