Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngày 30/4 lịch sử và hồi ức của người chiến sỹ Ê Đê làm nhiệm vụ đặc biệt


 
Ông Y Sơn Kpă hồi tưởng lại quá khứ hào hùng. Ảnh: Thiên Đức
 
Người 4 lần được gặp Bác Hồ
 
Ông Y Sơn Kpă (SN 1936), khi mới 15 tuổi đã bắt đầu đi theo cách mạng. Lúc ấy, ông chủ yếu hoạt động giao liên cho các cán bộ chống Pháp. Đến năm 1953, khi đã trở thành một chàng trai khỏe mạnh, ông chính thức gia nhập vào quân đội, chiến đấu ở chiến trường Khánh Dương, Khánh Hòa (nay là huyện M’Drăk, tỉnh Đắk Lắk).
 
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông theo tiếng gọi của cách mạng ra tập kết ở Miền Bắc. Giờ đây, trong ký ức của người đàn ông đã ngoài 80 tuổi như vẫn còn vẹn nguyện những tháng ngày nghĩa tình đó, mà hình ảnh làm ông xúc động nhất chính là 4 lần được gặp Bác Hồ kính yêu.
 
Lần đầu tiên, ông Y Sơn được gặp Bác Hồ là tháng 12/1954 tại Bạch Mai, Hà Nội. Lúc đó, Bác đến kiểm tra, thăm hỏi đội duyệt binh. Trong trí nhớ của ông, dáng của Bác gày, nước da dám nắng nhưng đôi mắt thì sáng như những vì sao. Tiếng nói của Bác ân cần, trầm ấm hỏi thăm và động viên chiến sĩ, trong đó có những người là dân tộc thiểu số từ miền Nam xa xôi như ông. Ông Y Sơn xúc động chia sẻ, lúc Bác ra về ông cùng một số người đã không kìm được cảm xúc cứ đuổi theo xe của Bác đến vài cây số mới chịu thôi.
 
Lần thứ hai chính là ngày duyệt binh trọng đại 1/1/1955. Trong dòng người như thác chảy đổ về quảng trường Ba Đình, ông Y Sơn với trang phục Ê Đê truyền thống cùng quân đội bước vào lễ đài. Một lần nữa, ông lại được gặp Bác trong bộ quần áo ka ki trắng giản dị đứng vẫy tay chào đón.
 
Vào năm 1958, trước khi lên đường làm nhiệm vụ đánh Mỹ tại mặt trận Xiêng Khoảng, nước bạn Lào, ông Y Sơn cùng các chiến sỹ lại xúc động được Bác tới thăm hỏi động viên. Bác rất chu đáo đi khắp các nơi trong đơn vị từ nhà ăn, phòng ngủ đến nhà vệ sinh để xem các đồng chí ăn ở thế nào. Rồi Bác ngồi xuống trò chuyện với chiến sỹ rất gần gũi. Bác dặn dò các anh em bộ đội khi sang chiến đấu tại Lào phải hết sức quyết tâm.
 
Lần cuối cùng được gặp Bác Hồ là khi ông Y Sơn đang theo học Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh). Ông vẫn nhớ như in đó là ngày 25/4/1963, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyên đề tại Trường Công an Trung ương. Bác Hồ đến thăm trường và nói chuyện với đại biểu dự Hội nghị. Từng lời Bác nói được ông ghi lại cẩn thận trong cuốn sổ tay và luôn nằm trong đáy ba lô những ngày chiến đấu sau này.
 
Làm nhiệm vụ đặc biệt
 
Ông Y Sơn tâm sự, những ngày sống trên đất Bắc, ông đã vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ, tuy thời gian gặp không nhiều, nhưng từng lời Bác nói như thấm vào máu thịt theo ông suốt những tháng ngày chiến đấu tại chiến trường Miền Nam.
 
Cuối năm 1963, ông được phân công về lại chiến trường Phú Yên. Suốt từ năm 1963 - 1967, ông đã thu thập và cung cấp hàng trăm tin tức có giá trị cho cách mạng. Thời gian này, ông cũng gia sức bảo vệ nhân dân địa phương cũng như vận động quần chúng ủng hộ bằng cách góp gạo, tiền…
 
Tuy nhiên 1967, ông Y Sơn bị địch phát hiện, chúng đưa cả một trung đội tới bắt và giải ông về trụ sở. Ông bồi hồi kể lại giây phút kề cận tử thần đó. Hai tay ông bị trói chặt và có 2 tên lính ngụy xốc nách đi bên cạnh, đằng sau có chừng hơn 20 tên khác lăm le khẩu tiểu liên AR15. Thế nhưng trước vòng vây của địch, ông không hề nao núng. Bằng sự tinh nhanh của mình, ra đến đường cái, ông đã tự tháo dây trói, chạy rất nhanh vào rừng mặc cho súng đạn của địch bắn rất rát phía sau lung.
 
Sau lần đó, ông đươc tổ chức chuyển công tác lên Tây Nguyên. Trên đường đi khi qua địa phận Gia Lai, quân địch đóng rất chắc, không có cách nào để đi qua. Tiểu đội của ông chỉ gồm 8 chiến sỹ công an và 5 cán bộ đặc công nhưng đã quyết định tiêu diệt cả một đồn địch mở đường máu.
 
Tại Đăk Lăk, ông Y Sơn được giao làm Phó ban An ninh quận Buôn Hồ. Đây là một địa bàn chiến lược, cửa ngõ để vào thủ phủ Buôn Mê Thuột. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Buôn Hồ là vùng trắng của cách mạng, vì rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, bằng sự nhanh trí của mình, ông đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đi theo cách mạng. Vì ông cũng là người Ê Đê nên cách nói cách sống của ông rất được đồng bào quý mến và tin tưởng. Vì thế, suốt những năm tháng hoạt động bí mật, ông đã được đồng bào đùm bọc, che chở. Đồng bào còn giúp ông làm tai mắt cho cách mạng, cung cấp nhiều thông tin quý giá.
 
Đặc biệt, trong cuộc đời hoạt động của mình, ông Y Sơn không thể nào quên nhiệm vụ quan trọng đó là bảo vệ Đại tướng Văn Tiến Dũng trong chiến dịch Tây Nguyên. Cuối năm 1974, Đại tướng Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã họp tại khu rừng xanh (bí danh A10). Tại đây, ông Y Sơn được giao nhiệm vụ tổ chức bảo vệ vòng ngoài. Suốt hàng tháng trời, đôi mắt ông như ngọn đèn không tắt cả ngày lẫn đêm.
 
Ông Y Sơn cho biết, mọi công tác được đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối. Mặc dù đã chuẩn bị mọi lực lượng đánh vào Buôn Mê Thuột hàng tháng trời, nhưng kể cả kẻ địch và quần chúng nhân dân gần như không ai được biết. Đúng 9h sáng 10/3/1975, bộ đội ta tấn công như nước vỡ bờ vào Buôn Mê Thuột. Cú đánh trời giáng long trời lở đất đó đã giúp giải phóng Tây Nguyên, một nút thắt quan trọng để tiến tới giải phóng Sài Gòn thống nhất đất nước (30/4).
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Y Sơn đã bén duyên với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Ông đã ở lại và trở thành Trưởng Công an huyện Krông Buk - một trong những người đầu tiên góp công xây dựng chính quyền huyện. Ông Y Sơn cho biết, những ngày mới sau giải phóng, tàn dư của chế độ cũ còn rất nhiều, cùng với bọn Fulro hoạt động khiến cho lực lượng an ninh của ông vẫn phải căng mình hoạt động mới đảm bảo được bình yên cho buôn làng. 

Theo Thiên Đức/Giadinh.net.vn