Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngày 31/5, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kinh tế-xã hội

Trong ngày 31/5, Quốc hội dành toàn bộ thời gian làm việc để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Phiên thảo luận của Quốc hội được truyền hình trực tiếp trên phát thanh, truyền hình từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h00 ngày 31/5 để cử tri và Nhân dân theo dõi.

202305301020535453-3-528-1685438297517269373764

Trước đó, tại phiên khai mạc, báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu hàng loạt khó khăn khiến GDP quý I không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ.

Trong đó, nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.

Về giải pháp thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cho các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Trong đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng…

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngoài chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, còn có thêm 1 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra (25,5 - 25,8%).

Đáng lưu ý, cả 2 chỉ tiêu này đều phản ánh chất lượng tăng trưởng và chất lượng nền kinh tế còn hạn chế.

Năm 2022, thu ngân sách nhà nước vượt 403,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 28,6%) so với dự toán. Tuy nhiên, kết quả này cũng phản ánh xây dựng dự toán quá thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo.

Sang năm 2023, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP Quý I/2023 rất thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ), đặc biệt tăng trưởng ở một số địa phương âm so với cùng kỳ.

“Số liệu tăng trưởng chung của Quý I cho thấy nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn”, ông Thanh băn khoăn.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng giá điện cùng các mặt hàng thiết yếu khác, vấn đề lương không đủ sống, hay tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, giải ngân vốn đầu tư công chậm, 1 triệu tỷ đồng tồn trong ngân quỹ.