Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngày của non sông chung một tiếng lòng

Ngày 2/5/1975, tại Dinh Độc Lập, Thượng tướng Trần Văn Trà (bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định) nói với tướng Dương Văn Minh: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”. Qua đó có thể thấy, đối với bất cứ một người Việt Nam nào thì “hòa bình, độc lập, thống nhất” là mục tiêu vô cùng thiêng liêng. Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH về ý nghĩa ngày lịch sử này, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Thực chất chiến thắng 30/4/1975 là một chiến thắng để bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945”.

* Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman ngày 16/2/1946 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr 91- 91), bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Hòa bình- độc lập, đó là khát vọng lớn nhất của toàn dân tộc, và đã làm nên sức mạnh tổng lực, đưa đến ngày thống nhất đất nước 30/4. Với tư cách nhà sử học, ông đánh giá thế nào về mốc son lịch sử đó?

- Đúng vậy. Chính vì muốn được công nhận là một quốc gia và giữ vững sự thống nhất lãnh thổ mà tránh phải đổ máu, nên chúng ta đã chấp nhận nhân nhượng tại Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, đồng ý là một quốc gia tự do nằm trong Liên hiệp Pháp. Nhưng vì sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, tình hình rất phức tạp, các nước lớn, các nước đế quốc đều có những tính toán của mình, họ muốn xâm chiếm, chia cắt đất nước ta, vì thế buộc lòng ta phải cầm súng chiến đấu trong suốt 30 năm.

Nhà sử học Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn.

Nếu ai đó nghĩ rằng chúng ta không cần kháng chiến, không cần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì đó là một suy nghĩ phi lịch sử và không tưởng. Chủ trương của Chính phủ ta sau Cách mạng tháng Tám là muốn làm bạn với tất cả các nước, không muốn chiến tranh với ai. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ để bày tỏ ý muốn làm bạn, muốn hợp tác toàn diện. Thế nhưng, rất tiếc là những thiện chí đó đã không được đáp lại.

Tôi cũng chắc chắn rằng không có nguyên thủ quốc gia nào ra nước ngoài đến gần 5 tháng trời như Chủ tịch Hồ Chí Minh hồi năm 1946, sang Pháp để tìm mọi cơ hội đối thoại hòa bình. Đầu năm 1993, khi sang thăm Việt Nam, đương kim Tổng thống Pháp lúc đó là ông Phrăng xoa Mít tơ răng đã nói rằng rất tiếc vì năm 1946 đã không có ai thực sự đối thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm được giải pháp hòa bình cho hai dân tộc.

Trải qua 30 năm kháng chiến chống Mỹ, điều quan trọng nhất là chúng ta đã hoàn thành được mơ ước là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay chúng ta đã thống nhất đất nước được 41 năm.

Nước mắt hạnh phúc ngày gặp lại khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

* Hơn 40 năm đã trôi qua, chúng ta có đủ thời gian và thực tiễn để nhìn nhận, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa lịch sử của ngày thống nhất đất nước 30/4/1975?

- Sau hơn 40 năm chúng ta đã đi được một chặng đường dài, phải thừa nhận rằng chúng ta đã thống nhất được lãnh thổ, thống nhất được quốc gia và xây dựng được một nền kinh tế phát triển. Cứ mỗi dịp kỷ niệm sự kiện 30/4, chúng ta càng thấm thía rằng mục tiêu không chỉ gìn giữ độc lập mà quan trọng hơn, nền độc lập ấy phải gắn với toàn vẹn lãnh thổ; thống nhất quốc gia là sự nghiệp vô cùng to lớn, vô cùng cao cả mà thế hệ chúng ta, thời đại chúng ta đã đạt được những điểm căn bản, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề ở phía trước.

* Đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài cũng có xu hướng về nước nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số Việt kiều thiếu thiện chí, hoặc “ngại” đầu tư vào trong nước. Theo ông, bên cạnh các vấn đề về chính sách, đầu tư…  phải chăng còn do nhận thức của họ khi “bảo thủ” trong vấn đề hòa hợp dân tộc?

- Đúng là tùy theo nhận thức của mỗi người. Và quan trọng nhất, trước hết phải xem lại môi trường đầu tư của mình. Vì nhất là thế hệ Việt kiều mới, họ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, môi trường - chính sách của nước họ khác. Việt kiều họ cũng phải tư duy trên lợi ích, sự đóng góp cho đất nước nhưng cũng phải có lợi ích cho họ. Vì họ là doanh nhân. Chúng ta luôn mở rộng cánh cửa, cởi mở để thu hút đầu tư và chúng ta chỉ có thể thực hiện được tốt khi mà chúng ta làm tốt. Ví như mình tổ chức cho bà con Việt kiều ra ngoài hải đảo, Trường Sa còn hơn rất nhiều những lời tuyên truyền. Khi ra đấy, kiều bào thấy Nhà nước đầu tư như thế nào, các chiến sĩ phải chịu đựng khổ sở ra sao… Có lẽ không gì thực tế, thuyết phục bằng việc làm cụ thể. Trăm nghe không bằng một thấy!

Nụ cười của chị Võ Thị Thắng - Nụ cười của niềm tin và chiến thắng.

* Ông có thể chia sẻ kỷ niệm của chính ông trong ngày 30/4 năm ấy?

- Có lẽ ngày 30/4, những người sống ở phía Bắc, trong chiến trường, sau mùa xuân 1975, khi bom đạn không còn rơi nữa, có thể nói mọi người đều hướng về phương Nam. Giây phút thống nhất đất nước là một ấn tượng không ai có thể quên được. Đầy những hi vọng!

Những hi vọng sau này có nhiều cái thành hiện thực, nhưng cũng có nhiều cái chưa thành hiện thực. Đó là, mong muốn và mường tượng đất nước là một tương lai hết sức phát triển, phát triển mạnh mẽ, không ai nghĩ rằng đất nước lại tiếp tục phải trải qua những khó khăn nữa, ví dụ như chiến tranh biên giới, những khó khăn về kinh tế, rồi tham nhũng... Mới thấy cuộc sống phát triển vô cùng gian khó. Mỗi thời đại lịch sử lại phải đối mặt với những thách thức khác nhau.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!