Người bình dân ngày trước có thói quen cư trú nhà day cửa ra mặt sông. Trước có sân, có đường mòn nhỏ chạy ngang nối liền nhà này với nhà khác, xa nữa mới là bờ sông mà người ta thường bắc những chiếc cầu để thuận bề xuống tắm giặt hay ghe ghé vào bước lên cho tiện. Cứ chiều chiều, năm ba đứa trẻ rủ nhau tắm sông. Rồi đùa giỡn té nước vào mặt, vào người cười vang cả khúc sông rộng.
Tôm càng tươi
Tôm nướng ngọt lịm
Người lớn thì rủ nhau đi mò tôm. Người ta cứ đi tay không, quảy bên hông cái giỏ tre là đủ. Anh em cùng nhau lặn ngụp dọc theo các bụp lá dừa nước để tìm bắt những loài tôm, cá vào đây trốn nắng. Những con tôm càng, cá thác lác, cá rô, cá sặt, … không tung tăng ngoài luồng nước giữa sông nữa vì ở đó nước rút mạnh, lại bị cái nóng của sức nắng chói chang chiếu xuống. Chuyện tay không bắt cá ngày trước diễn ra rất đơn giản và phổ biến như vậy.
Thiên nhiên ban tặng cho con người sự trù phú cá tôm. Lội sông chừng buổi là cả nhà có thể có được bữa cơm chiều đủ đầy. Hơn thế, đi mò tôm về cũng là lúc rảnh rang, thế là tắm rửa xong, cùng tụ lại sân nhà ai đó trong xóm, người rút rơm, người bắt vài con tôm càng đem nướng. Than cháy qua một lượt, những con tôm chín đỏ tươi, chỉ cần gắp ra, thổi sơ bụi tro rồi để ra tàu lá chuối, thêm ít đọt rau quơ vội đâu đó ngoài vườn tạp, cùng chén muối tiêu, muối ớt, vài xị rượu đế là kẻ đờn, người hát những bài ca tài tử đã đời cho tới khuya. Tôm tươi, nướng than rơm thì ngọt không gì bằng được.
Nét văn hóa dân gian miền sông nước hình thành rồi góp phần vào dòng chảy văn hóa dân tộc đơn giản như vậy!