Theo báo cáo “Tình hình Trẻ em thế giới năm 2021” của UNICEF, có khoảng 166 triệu trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần, trong đó 86 triệu em trong độ tuổi 15-19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10-14 tuổi. Mỗi năm, có khoảng 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, có nghĩa là cứ mỗi 11 phút lại có hơn 1 em qua đời vì nguyên nhân này. Ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, các vấn đề tâm lý khi phải đối mặt với áp lực học tập hay những vấn đề trong mối quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình… mà không biết cách tháo gỡ dễ khiến trẻ rơi vào trạng thái chán nản, tự ti, nghiêm trọng hơn có thể là sang chấn tâm lý, trầm cảm và tự hại bản thân mình.
Huyện Vĩnh Lộc có gần 15.000 học sinh các cấp, trong đó có rất nhiều em đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần như áp lực học tập, thiếu sự quan tâm của cha mẹ, các vấn đề trong tình bạn - tình yêu… Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã làm trầm trọng hơn vấn đề sức khỏe tâm thần của các em. Với mong muốn góp phần nâng cao sức khỏe tình thần cho học sinh, từ năm 2021 GNI đã triển khai các hoạt động tham vấn về sức khỏe tâm thần tại huyện Vĩnh Lộc. Tháng 5/2022, GNI chính thức ra mắt phòng tham vấn học đường tại Văn phòng dự án GNI tại huyện Vĩnh Lộc - Phòng tham vấn Hạnh Phúc.
Khi tham gia buổi Lễ ra mắt Phòng tham vấn Hạnh phúc, các em học sinh, phụ huynh, giáo viên được biết đến vai trò của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, quy trình vận hành và mô hình 3C (Chuyên nghiệp - Chuyên môn - Chuyên trách) của phòng tham vấn, đảm bảo rằng các em luôn được thoải mái, tôn trọng và bảo mật thông tin. Xuyên suốt trong chương trình, các em được tham gia Ngày hội tham vấn, với 5 quầy tham vấn về các chủ đề: Kỹ năng sống, Tình bạn & tình yêu, Mối quan hệ gia đình, Các vấn đề học tập, Hướng nghiệp.
Tại buổi lễ, NSƯT Xuân Bắc đã có phần giao lưu, chia sẻ với các em học sinh Trường THCS Vĩnh Hưng. Qua đó, anh cũng lưu ý với các em học sinh đừng ngần ngại khi đến với phòng tham vấn. Với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn, phòng tham vấn sẽ hỗ trợ các em học sinh trong việc đối mặt và giải quyết khó khăn tâm lý mà các em đang gặp phải và đảm bảo các em được học tập, sinh hoạt trong môi trường học đường an toàn, thân thiện.
Bên cạnh việc tập trung củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh thông qua việc vận hành mô hình phòng tư vấn và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học đường, GNI cũng tập trung vào các nhóm trẻ em có nguy cơ bỏ học, trẻ em là nạn nhân của bạo lực học đường, dễ bị tổn thương và bị bỏ rơi trong đại dịch Covid-19. Nhóm đối là phụ huynh và giáo viên - những người có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm và tâm lý của trẻ - cũng được GNI quan tâm với việc tổ chức các chương trình tập huấn, các buổi tọa đàm về sức khỏe tâm thần cho học sinh.
GNI hi vọng, với dự án “Nâng cao sức khỏe tinh thần của học sinh tại huyện Vĩnh Lộc” sẽ góp phần gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, đồng thời triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh, chữa bệnh và hòa nhập, trong đó có giải pháp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần.