Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ngày Nhà giáo Việt Nam ở vùng Cao

Ngày 20/11 ở vùng cao năm nay vui hơn hẳn những năm trước, bởi những bông hoa chuyên cần, yêu lớp đang ngày càng nở rộ.

 

Thời gian gần đây cùng với sự đầu tư của nhà nước và sự chung tay của nhiều tổ chức cá nhân, giáo dục vùng cao tỉnh Yên Bái đã có những thay đổi lớn. Từ chỗ thiếu trường, thiếu lớp, nay nhiều xã vùng cao đã có trường lớp khang trang, sạch đẹp. Đường đến trường đối với học sinh dân tộc thiểu số vì thế không còn nặng nề như trước.

Những năm trước, học sinh vùng cao huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái mỗi khi tới trường thường mang theo nồi, gạo, củi để nấu ăn sau giờ học. Bữa ăn chủ yếu là cơm và muối trắng. Chỗ ngủ tạm bợ trong những ngôi lán dựng vội. Đói và khổ quá, nhiều học sinh bỏ về nhà.

 

 

Học sinh ở vùng cao (ảnh minh họa, nguồn: KT)

Giờ đây, khi các trường học chuyển sang mô hình dân tộc bán trú, hàng tháng mỗi em được trợ cấp 420.000 tiền ăn, cộng thêm sự ủng hộ của các nhà hảo tâm nên cơm đã có thịt, có rau, có đậu… Các em cũng đã có phòng ở ngay trong trường nên tránh được những đêm lạnh giá.

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: “Bây giờ không chỉ học sinh vững tâm ra lớp mà cả các bậc phụ huynh cũng muốn con em mình được đến trường đầy đủ, khác hẳn với thời gian trước”.

Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến nhấn mạnh: “Trước đây tình hình học sinh đi học chuyên cần có thời điểm rất thấp. Từ khi xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú thì việc huy động học sinh ra lớp rất thuật lợi. Đầu tuần các em về trường nhà trường quản lý nuôi dạy các em cả tuần nên các em nghỉ học rất ít. Việc quản lý học sinh thuận lợi tỷ lệ học sinh chuyên cần đảm bảo hơn”.

Cách đây vài năm, trước khi truyền dạy kiến thức cho học sinh vùng cao, các thầy cô giáo phải lặn lội vượt núi, xuyên rừng gọi các em tới lớp. Kiến thức ngồi trên giảng đường cứ rơi mòn theo những con dốc vắt kiệt mồ hôi. Chưa nói đến việc dạy, huống chi có điều kiện để bồi dưỡng chuyên môn. Nay không còn phải đi gọi trò, các cô các thầy có điều kiện chăm lo soạn bài giảng, có thời gian chăm sóc cho các em từng bữa ăn giấc ngủ. Chất lượng dạy và học vì thế từng bước được nâng lên.

Cô giáo Đinh Thị Hạnh, trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: “Đối với các em miền xuôi, các em cần học kiến thức rộng hơn còn ở đây các em học chắc những điều cơ bản. Khi dạy giáo viên lên lớp phải sao sát từng em. Cuộc sống của các em học sinh nhờ những chăm lo của thầy cô đã có nhiều chuyển biến. Từ chỗ phụ thuộc vào suy nghĩ và hoàn cảnh của cha mẹ, sang học tập chuyên cần trong môi trường không thua kém hơn các bạn học sinh miền xuôi là bao... Trước các em sợ đến trường bao nhiêu, nay các em hăng hái, phấn khởi bấy nhiêu”.

Em Sùng Thị Hoa, học sinh lớp 6, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: Ngoại trừ gia đình có công việc đột xuất ra thì các em không khi nào nghỉ học, bởi đến trường bây giờ thích hơn ở nhà.

Qua 5 năm thực hiện xây dựng trường dân tộc bán trú, giáo dục vùng cao Yên Bái đã "thay da đổi thịt" rõ rệt, điều đó không chỉ hiển hiện trong những bước chân hào hứng đến trường của trẻ thơ, mà còn rạng rỡ trên gương mặt của các thầy cô giáo. Bà Hà Thị Minh Lý, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú thời gian qua, những kết quả nổi bật là đã huy động được cả hệ thống chính trị vào việc chăm lo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc. Đến thời điểm này cả tỉnh có trên 12.000 học sinh bán trú được hưởng chính sách bán trú. Chất lượng giáo dục toàn diện cũng đã được nâng lên, đặc biệt, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn, tỷ lệ học sinh lưu ban cũng giảm. Hiện nay để đảm bảo sinh hoạt cho học sinh, tất cả các trường có học sinh bán trú ở tại trường thì đều tổ chức nấu ăn tại trường, đảm bảo bữa ăn cho các em cả về dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Ngày 20/11 ở vùng cao năm nay vui hơn hẳn những năm trước, bởi những bông hoa chuyên cần, yêu lớp đang ngày càng nở rộ. Các thầy cô bảo: Món quà lớn nhất cho những tháng ngày miệt mài với vùng cao, chính là được nhìn thấy học sinh của mình sạch sẽ, khỏe mạnh, chăm chỉ học hành như ngày hôm nay.