Hết người lầm đường, lạc lố, Pù Hao lại réo rắt những tiếng khèn của trai gái trong bản.
Chuyện 1000 ngày “lạc đường”
Nhà Trưởng bản Giàng Nhịu Dê hôm nay tổ chức cơm khá sớm vì có khách ở dưới xuôi lên. Trong hơn 20 khách được ông Dê mời, tôi được bố trí ngồi ở mâm của đám thanh niên trẻ nhất bản. Với giọng to, thật, mang đậm nét người Mông, ông Dê chủ động giới thiệu họ với tôi: Bọn nó một thời là con thú của bản đấy! Bỏ vợ, bỏ con, bỏ ngoài tai lời khuyên nhủ của người già đi theo bọn phỉ đấy.
Giàng A Thái - một thanh niên to khỏe ngồi gần tôi lên tiếng: Bọn tôi một thời cái đầu nó ngu quá! Cái tai chỉ thích nghe lời của kẻ xấu. Không có bộ đội biên phòng, không có bà con trong bản thì nếu có sống chúng tôi cũng chỉ thành những con khỉ hôi hám ở trên rừng mà thôi. Chuyện của Thái, chuyện của 7 người con Pù Hao một thời lầm lạc, đi theo phỉ định hình dần trong tôi.
Trước, Giàng A Thái là người đầy hy vọng với bản Pù Hao, với các thiếu nữ Mông ở đây. Học hết Tiểu học, quẩy quả vượt mấy chục cây số đường đèo dốc, Thái cắp cặp ra huyện học ở trường nội trú. Hết phổ thông trung học, theo chế độ ưu tiên với đồng bào thiểu số của Nhà nước, Thái được sang tỉnh Thái Nguyên học cử tuyển ở Trường Đại học Nông lâm. Tại trường, Thái được ưu tiên nhiều lắm.
Thế rồi mùa hè cuối cùng cho đời sinh viên của Thái đã khép lại khi Thái về nhà nghỉ và đánh bạn với kẻ xấu, vì lúc này ở Tây Bắc tình hình rất phức tạp. Lực lượng phỉ bị bộ đội ta và bộ đội nước bạn Lào dồn đuổi đang nhăm nhe lôi khéo những người Mông như Thái để xây dựng lực lượng. Với những hứa hẹn như cho gặp vua Mèo, phong danh tước và được hưởng 2.000USD/tháng nếu đi cùng họ nên Thái và 6 thanh niên ưu tú của bản Pù Hao đã nghe theo chúng, bỏ mặc lời can ngăn từ phía người thân, cha mẹ.
Thế là hết hè năm ấy, nhẽ ra là Thái sẽ xuống trường để ôn thi tốt nghiệp thì anh lại cùng 6 người là: Giàng Dua Pó, Giàng Va Pó, Giàng A Phổng, Giàng A Của, Giàng Nỏ Mua, Giàng A Ly băng rừng tìm sang Pa Hốc huyện Sầm Na của nước bạn Lào.
Sau hàng tháng trời băng rừng, vượt núi, lẩn trốn như một con thú bị săn đuổi, Thái và các bạn cũng đến được nơi cần đến. Lúc này,
Thái và các bạn mới biết là bị mắc lừa vì vị vua mà Thái và 6 người con ở bản Pù Hao cần gặp chỉ là người thường, thậm chí còn khốn khổ hơn cả những người Mông ở bản Pù Hao của Thái.
Ở với "vua" được 10 ngày thì Thái và 6 người bạn cùng hơn 40 người Mông ở nước bạn Lào bị sai đi cướp vũ khí, lương thực ở huyện Sầm Na. Hành động bị lộ tẩy, Thái và mọi người bị truy đuổi. Lẩn trốn, ăn khe, nằm rừng nhưng bọn Thái vẫn bị khống chế. Thế rồi, trong một lần chúng sơ hở, 7 thanh niên người Mông ở bản Pù Hao trong đó có Thái đã bỏ chạy.
Chăm chút trẻ em của những gia đình có người lạc lối luôn là niềm vui của lính biên phòng Pù Hao.
Lại mất hơn 1 tháng lẩn trốn, Thái mới tìm được về bản Pù Hao. Cứ chui lủi một cách tệ hại như vậy, cuối cùng Thái đã bị trúng đạn trong một lần đi trộm cắp. Và cuối cùng Thái đã được bộ đội biên phòng và dân bản tìm thấy. Do vết thương bị nhiễm trùng quá nặng, Thái đã được bộ đội Đồn biên phòng 453 đưa xuống Hà Nội chữa trị. Đến tháng 5/2004, vết thương lành, được sự trợ giúp của bộ đội biên phòng, Thái đã được dân bản Pù Hao mở rộng vòng tay đến đón nhận sau gần 1.000 ngày "lạc đường".
Làm lại cuộc đời
Sau bữa cơm tối trước ở nhà Trưởng bản Giàng Nhịu Dê, sớm hôm sau, tôi cũng được Thái mời đến nhà. Mọi ý nghĩ xấu xa ngày xưa đã không còn ở trong Thái. Hiện tại, Thái đang phấn đấu trở thành một công dân tốt để bù đắp lại những lỗi lầm một thời với dân bản. Cùng kiến thức đã học được ở Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, giờ Thái đang là người tiên phong xây dựng mô hình trang trại ở bản Pù Hao. Ngoài ruộng vườn, Thái còn nuôi trâu và đào ao thả cá nữa.
Năm nay cũng thêm năm nữa mà hai người vợ trẻ là Vàng Thị Lầu và Sùng Dạ Mỷ phải sống cảnh thiếu vắng chồng. Chồng họ, hai anh Giàng Nỏ Mua và Giàng A Của là những người trong đội quân đi "tìm vua" của Thái. Họ đã vĩnh viễn không còn nhìn thấy bản Pù Hao, thấy vợ con, vì tên rơi đạn lạc trong những lần bị truy đuổi. Nhờ sự chăm chút của chính quyền, tuy thiếu vắng chồng nhưng cuộc sống của hai người vợ trẻ này và những đứa con thơ của họ đã khá ổn định. Họ thường xuyên được chính quyền và bộ đội biên phòng nơi đây giúp đỡ, động viên trong những ngày thường. Khi hỏi chuyện, với cái cười đầy tư lự, Sùng Dạ Mỷ cho biết: Nhà tôi, bản Pù Hao giờ không còn đói và không sợ kẻ xấu nữa. Cái bụng chỉ buồn là chồng nghe theo kẻ xấu đã không thể về nhà nữa thôi.
Bài và ảnh: Đơn Thương/ GĐTE