Phong thủy là một môn khoa học.
Phong thủy là một khái niệm khá quen thuộc đối với nhiều người. Nó thường được hiểu là một phương pháp ứng dụng trong kiến trúc và xây dựng Đông phương cổ xưa, dựa trên phương pháp luận của thuyết âm dương ngũ hành. Do sự thiếu hụt các tài liệu nghiên cứu khoa học về phong thủy trong một thời gian dài, cùng với những thành kiến chủ quan duy ý chí về nó đã biến môn này càng trở nên bí ẩn và hoang đường. Việc xác minh bản chất khoa học của phong thủy mà các nhà nghiên cứu đưa ra dựa trên việc xem xét tính hệ thống-lịch sử; tính nhất quán và hợp lý; tính tiên tri và tính khách quan. Những phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, phong thủy là một bộ môn khoa học xác định sự phù hợp với cảnh quan môi trường, thiên nhiên hài hòa với cuộc sống con người. Khoa học phong thủy xác định những tiêu chí, nguyên tắc, quy ước dựa trên thực tại khách quan trong kiến trúc và xây dựng cổ xưa, nhưng không phủ nhận những tri thức và tiêu chí, yêu cầu trong kiến trúc hiện đại. Có lẽ chúng ta nên gọi phong thủy là “địa văn học” hay nói dễ hiểu phong thủy là một môn thiên văn học dành cho đất đai thì đúng hơn.
Mục tiêu của phong thủy xưa nay vẫn không có gì thay đổi, nó giúp con người tạo ra những môi trường hỗ trợ đồng thời đáp ứng các nhu cầu, ước muốn cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Từ “phong thủy” riêng nó chẳng có ý nghĩa gì. Trong một số ngữ cảnh, người ta có thể hiểu là “phong thổ”. Người Trung Quốc thậm chí còn dùng từ ngữ này theo nghĩa hẹp hơn để chỉ điềm may hoặc vận hạn. Nếu chúng ta hiểu thật sát nghĩa thì từ “phong” là gió, “thủy” tức là nước. Phong thủy có cơ sở khoa học của nó. Vào thời kỳ đồ đá, những ngôi làng ở Trung Quốc thường xoay mặt về hướng Nam để tránh những ngọn gió đến từ phương Bắc. Giá trị của những dòng nước, con sông được đánh giá cao từ khoảng năm 3.500 năm trước Công nguyên. Lúc bấy giờ, người Trung Quốc là dân tộc trồng lúa nước đầu tiên trên thế giới. Đối với những người trồng lúa nước thì một con sông chảy quanh co khúc khuỷu là một phúc lành trời ban vì họ cho rằng điều đó giúp tưới và tiêu nước tốt hơn đồng thời nó làm cho đất đai màu mỡ hơn là một con sông chảy thẳng và chảy xiết. Đó chính là nguồn gốc của quan niệm phong thủy cho rằng dòng nước (tức “thủy”) tượng trưng cho tài lộc.
Phong thủy khảo sát đồi núi và sông ngồi quanh một địa điểm nhất định. Người Trung Quốc từ lâu đã tin rằng nếu việc can thiệp vào địa hình như xây dựng cao ốc hay làm đường ray xe lửa,... làm biến đổi hình dạng cơ bản của cảnh quan đều có thể mang đến những tay họa không thể lường trước được. Họ còn biết rằng việc xây dựng những tòa cao ốc có thể gây nên những ngọn gió giật mạnh khó lường hay việc đào giếng lấy nước có thể khiến cho dòng chảy cạn kiệt. Khoa học ngày nay đã chứng minh những nhận định của họ hoàn toàn có cơ sở và chính xác.
Trong phong thủy, “khí” được xem là thành tố quan trọng nhất. Mục tiêu của phong thủy là khai thác, vận dụng khí của trái đất cũng giống như mục tiêu của châm cứu là khai thác và vận dụng được khí của con người. Một thầy phong thủy giỏi phải tìm được một địa điểm có khí lưu chuyển nhẹ nhàng, thanh thoát và đạt cân bằng “âm” – “dương”. Có thể hiểu khí là hơi thở của vũ trụ hay cốt lỗi của sự sống, là tinh hoa của các nguyên lý về trời và đất, của thời gian và không gian. Hơn thế, khí còn là tinh hoa của tất cả những hiện tượng liên quan, là sức mạnh chuyển hóa. Khí thể hiện trong chuyển động của vũ trụ, mùa và thời tiết, các hình thế đất đai trập trùng và thủy triều của biển hay những biến đổi trong cơ thể con người. Vạn vật đều hòa nhịp và chuyển dịch đồng điệu với nó. Vạn vật đều từ khí mà ra, tồn tại với khí và cũng trở về với khí. Nói khí là hơi thở của vũ trụ tức là vũ trụ thở. Trong Lão giáo, vũ trụ được xem như một cơ thể hữu cơ với đầy đủ sức sống, được miêu tả như một con rồng chu du trong không gian và thời gian, trong trời đất.
Ứng dụng khoa học phong thủy trong đời sống.
Thuyết phong thủy cho rằng địa điểm tốt nhất để dựng một tòa nhà là nơi mà người ta có thể xác định được “Tứ linh” - Long, Lân, Quy, Phụng - trong hình thể phong cảnh xung quanh. Nếu không có đủ cả bốn thành tố ấy thì ít nhất cũng phải có “Long”; còn nếu không có “Long” thì riêng duy nhất “Lân” sẽ đại diện cho sự hiện diện của Tứ linh. Nhưng trước hết phải tìm cho được long mạch và mối quan tâm hàng đầu của các thầy địa lý (thầy phong thủy) khi khảo sát địa điểm là tìm xem xung quanh có ngọn đồi hay gò đất nào đó giữ vai trò long mạch hay không. Các nhà phong thủy Trung Quốc cho rằng đồi núi hay cảnh quan càng giống hình dáng rồng thật thì phong thủy càng có tác động mạnh.
Một trong những nhà phong thủy lừng lẫy trong thế kỷ XX là Lin Yun, người sáng lập ra trường phái phong thủy Phật giáo Mật Tông Hắc Mạo rất nổi tiếng trên thế giới. Trong một lần ghé thăm thành phố New York vào năm 1978, ông được một người bạn chở tham quan thành phố bằng máy bay trực thăng. Bằng kiến thức phong thủy uyên bác của mình, ông đã luận thế phong thủy của nhiều khu vực trong thành phố như khu Central Park, đảo Roosevelt, khu Midtown,... Theo ông, khu Central Park được xem là một địa thế “đại cát”, tiếp nhận được nhiều luồng hưng khí, vượng khí nên rất tốt cho cư dân quan đó. Đối với đảo Roosevelt, ông cho là có địa thế “đại hung” vì nó được bao bọc quá nhiều nước và đá, do vậy mà nó hấp thu quá ít sinh khí. Cuối cùng, khu Midtown được ông luận phong thủy là có địa thế “đại cát”, nơi đây tập trung nhiều trụ sở của các tập đoàn lớn, đặc biệt có trụ sở của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, theo ông trụ sở Liên Hiệp Quốc lại bị “trệ khí” và bị ảnh hưởng bởi những “ác xạ” do nó bị lọt thỏm trong một quần thể toàn những tòa nhà cao hơn, ngay nga hơn.
Thoạt nhìn, phong thủy có vẽ huyền bí và hoang đường đối với người phương Tây. Tuy xuất xứ từ phương “Đông” và được coi là môn khoa học dành riêng cho phương Đông nhưng ngày nay phong thủy đã lan rộng tầm ảnh hưởng khắp thế giới. Ngày nay, người phương Tây rất ngưỡng mộ và áp dụng phong thủy trong nhiều lĩnh vực từ những việc nhỏ như dọn về nhà mới (tân gia), khai trương văn phòng hay đến những việc lớn hơn như chọn địa điểm đặc trụ sở và lễ động thổ xây dựng các tòa cao ốc họ đều chọn ngày giờ và địa hình địa điểm tốt nhất có thể. Một trong những ứng dụng của phong thủy mà chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất hiện nay là trong thiết kế các công trình xây dựng dưới góc độ phong thủy. Cụ thể như: xác định tâm của một khu đất khi xây dựng nhà cửa; chọn hướng nhà; thiết kế các cửa ra vào và cửa sổ; cách bài trí sắp đặt đồ vật trong nhà hay những gam màu riêng biệt cho các phòng khác nhau trong ngôi nhà,... tất cả đều nhằm mục đích giúp cho luồng khí được thông suốt, thoáng mát, phục vụ sức khỏe con người.