Lễ rước lợn ở La Phù.
Tích xưa kể lại
Những chú lợn được chọn làm lễ ở La Phù được vinh hạnh gọi là “ông lợn” bởi khoác lên mình trọng trách dâng hiến cho vị thánh của làng. Tục xưa kể rằng, Thành hoàng xứ này vốn là tướng dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6. Vùng đất La Phù được ông chọn lựa để đóng doanh trại, luyện tập quân sĩ. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, theo lệnh vua Hùng, đoàn quân lên đường đi chiến đấu. Nhân dân trong vùng biết tin bèn thổi xôi, mổ lợn mang ra khao quân.
Thắng trận trở về, vị lạc tướng được phong thực ấp ở vùng đất xưa từng luyện quân, lãnh đạo người dân làm ăn, phát triển nghề ươm tơ, dệt lụa. Sau khi ngài qua đời ngày 14 tháng Giêng, dân làng La Phù tôn ngài làm Thành hoàng và tổ chức hội làng vào ngày 13, 14 tháng Giêng hàng năm để tưởng nhớ.
Mồng 7 tháng Giêng - ngày sinh của Thành hoàng, dân La Phù tổ chức rước Thánh từ Đền Thượng (Đình La Phù) xuống Đền Hạ (Quán Chảy - thuộc xã Đồng Nhân), nơi tương truyền là lăng mộ của ngài, để dâng lễ vật tỏ lòng tôn kính và cầu một năm mới bình an. Ngày mồng 8, 9, 10, 11, 12, dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, kéo co, cờ người... Đặc biệt, ngày 13 tháng Giêng, cả làng La Phù tổ chức lễ rước lợn dâng lên Thành hoàng.
“Ông lợn” đang được chuẩn bị để đưa lên kiệu.
Phong tục độc đáo
“Ông lợn” được chọn dâng Thành hoàng là niềm kiêu hãnh, sự tự hào của cả một vùng quê. Chẳng thế mà việc chăm nuôi lợn rất được người dân chú trọng. Gia đình được giao nuôi “ông lợn” phải con cái đuề huề, đủ trai lẫn gái, vợ chồng đều có đôi, gia đình có truyền thống nền nếp và đặc biệt không có tang trong vòng một năm trở lại. Trường hợp gia đình có tang bất ngờ, phải chuyển “ông lợn” qua gia đình khác. Bên cạnh đó, chuồng nuôi lợn phải đảm bảo luôn sạch sẽ. Thậm chí, nhiều gia đình còn phải mắc màn để tránh lợn bị thâm tím da do muỗi đốt.
Nuôi lợn đã công phu, cầu kỳ, đến khi thịt và trang trí lợn làm lễ cũng quan trọng không kém. Trước khi bắt lợn, người chủ nuôi cũng phải làm lễ để xin phép thần linh, tổ tiên. “Ông lợn” sau khi được tắm rửa sạch sẽ, sẽ được cạo sạch phần lông. Lá mỡ ở ruột và dạ dày được lấy ra, phủ lên toàn bộ phần thân, trông như một tấm áo khoác đặc biệt.
Bên cạnh thịt lợn thì việc chuẩn bị một bàn lộc là điều khá quan trong mỗi lễ rước của các xóm. Bàn lộc sẽ gồm một mâm hoa quả lớn, hoa, nến, hương... "Ông lợn" đã làm thịt sạch sẽ được đưa lên giá đỡ để chuẩn bị trang trí. Các "ông lợn" thường có trọng lượng lớn nên việc đưa lên giá cũng cần đến cả chục người. Dân làng quan niệm, một ông lợn to, đẹp được dâng tế sẽ đem lại nhiều may mắn cho xóm làng.
Đến khoảng 18h, lễ rước bắt đầu. “Ông lợn” được rước đi trong tiếng chiêng trống, cờ hoa rợp trời. Đi đầu lễ rước là hai lá cờ đại, sau đó là chiêng trống, bát âm, bàn độc với đầy đủ các đồ thờ như: đèn ống hoa, mâm ngũ quả, chè, oản, đỉnh hương trầm... Các "ông lợn" còn lại được đặt phía gian ngoài. Cứ như vậy, lần lượt 17 "ông lợn" của các xóm ở La Phù được dâng tế.
Sau khi rước lợn ra đình, ban tổ chức sẽ chấm điểm trang trí của từng xóm. Lễ vật của xóm nào đẹp nhất sẽ được trao giải. Một cụ già trong làng cho biết: “Giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng chứ không có ý nghĩa kinh tế, vì chỉ có vài bao thuốc lá với mấy gói chè. Xóm nào cũng thành thục mọi việc nên hầu hết các “Ông lợn” đều rất đẹp”.
Đúng 12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2h sáng hôm sau. Sau đó, các xóm sẽ khiêng lợn trở lại nhà và đến sáng sẽ bắt đầu chia lợn cho các hộ gia đình. Hơn chục “ông lợn” chễm chệ trên giá đỡ do những thanh niên trai tráng khỏe nhất của làng khiêng, trong rừng người nô nức, giữa không gian thiêng liêng nhưng cũng không kém phần náo nhiệt.
Trân trọng những giá trị cổ xưa
Cùng với sự phát triển không ngừng về kinh tế, làng cổ La Phù ngày xưa nay đã trở thành đô thị trẻ với diện mạo hiện đại hơn. Thay vì chỉ có nghề dệt len như thuở trước, người dân La Phù làm đủ thứ nghề thủ công để có thêm thu nhập. Ô tô về làng ngày một nhiều hơn. Nhưng chẳng vì thế mà mỗi mùa lễ rước lợn đầu năm La Phù thưa vắng. Hàng nghìn người con La Phù vẫn trở về, với nguyên một niềm háo hức xưa cũ. Anh Phạm Văn Phương, người thôn Thắng Lợi, đang là chủ một doanh nghiệp lớn và đã chuyển ra trung tâm thành phố sinh sống, chia sẻ: “Năm nào, dịp này tôi cũng đưa cả gia đình về làng. Lễ rước lợn vẫn được tổ chức đúng với các khâu long trọng như ngày xưa. Trong tôi vẫn nguyên sự háo hức mỗi khi có kiệu rước lợn qua nhà như ngày còn bé. Tôi mong bọn trẻ nhà mình cũng được sống trong cái không khí ấy, để không quên mảnh đất quê hương”.
Về La Phù những ngày tháng Giêng, bước chân trên con đường gạch đỏ, nghe văng vẳng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng trẻ con nô đùa trong các con ngõ thật sâu, tiếng người hát quan họ dưới ao làng…, lại thấy lòng xôn xao khó tả. Đâu đó trong cuộc sống hiện đại này, những giá trị xưa vẫn tồn tại như một cái gốc rễ bền vững, để từ đó, con người ta có tỏa đi đâu cũng nhớ đến, trở về.
Bài Nam Giang - Ảnh: Hà Thành/Tạp chí Gia đình và Trẻ em