Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Thời sự

Nghe âm vang lời Bác

(Dân sinh) - Vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta cùng nhau ôn lại bài học lớn nhất lịch sử, “tổ tiên rực rỡ/anh em thuận hòa”, bài học đã tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt Nam, đã từng trải qua thử thách ngàn năm cho tới hôm nay và mai sau.

Khi mới đặt chân nơi địa đầu Tổ quốc, Bác Hồ đã làm ngay việc quan trọng viết diễn ca lịch sử nước nhà để tuyên truyền rông rãi trong nhân dân: “Dân ta phải biết sử ta/cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.“Con người có tổ có tông/như cây có cội như sông có nguồn”, nên nhu cầu hiểu biết, giải thích quá khứ về nguồn gốc của dân tộc mình là điều tất yếu.

Vào năm Bác viết diễn ca, chúng ta chưa có nhiều tài liệu, chứng tích, hiện vật về thực trạng xã hội thời Hồng Bàng, mà lịch sử chỉ được dệt nên bằng một kho tàng đồ sộ thần thoại, truyền thuyết, chứa đựng nhiều chất liệu, kể cả những điều huyễn hoặc, nhưng đằng sau sự thần bí của kho tàng truyền thuyết là cả một đạo lý về nghĩa đồng bào, tình thân ái, thủy chung vì nghĩa lớn, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng dựng nên một nhà nước của một dân tộc. Tư tưởng “anh em thuận hòa” của Bác Hồ xuyên suốt cả quá trình chỉ đạo cách mạng Việt Nam “dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.

Dâng hoa tại khu vực bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong.

Dâng hoa tại khu vực bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong.

Ngày 2/9/1945 là ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Giữa Quảng trường Ba Đình tràn ngập nắng thu vàng, bát ngát cờ hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên giọng điềm đạm, trầm ấm, rất đỗi hào sảng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, biển người im lặng lắng nghe, bỗng Người dừng lại cất tiếng hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”. Tiếng đáp lại như sấm “có”. Câu hỏi làm tan biến mọi khoảng cách. Lúc này người dân và Chủ tịch nước bỗng trở nên gần gũi, vô cùng thân thiết. Tận đáy lòng mỗi người dân đất Việt, dòng máu Lạc Hồng cảm nhận sự cao cả về đạo đức, sâu đậm về tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu. Lời Người như lời non nước vọng lại, ngấm vào máu, chảy trong tim, rung động tâm can, “đồng bào” là một động lực thúc đẩy hàng triệu con tim đi ra phía trước để bảo vệ non sông giành lại độc lập tự do hạnh phúc. Từ “đồng bào” đã bao hàm cả một truyền thuyết, hơn nữa cả một phần lịch sử và văn hóa của dân tộc. Bác Hồ đã minh chứng và khẳng định dân tộc ta từ ngàn đời đã bồi đắp một niềm tin vững chắc tạo thành một sức mạnh tinh thần, một động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước suốt một thiên niên kỷ.

Ngày giỗ Tổ đầu tiên sau khi nước nhà vừa giành được độc lâp, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên tận Đền Hùng để thay mặt Chính phủ kính cáo với Tổ tiên. Đền Hùng là biểu tượng cội nguồn của dân tộc Việt Nam, là hiện thân của những con người khai sáng ra đất nước Việt Nam, là hiện thân của các Vua Hùng trong ý tưởng và khát vọng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thời đại Hùng Vương đã được các sử gia nghiên cứu chứng minh làm sáng tỏ nền văn minh Văn Lang tồn tại trước công nguyên hàng nghìn năm. Chính nền văn minh đó là thời đại của các Vua Hùng đã tạo nên con người và văn  hóa Việt Nam, là dấu son khởi phát và làm nền cho lịch sử Việt Nam dù trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc cũng không bị xóa nhòa. Đền Hùng trở thành cầu nối hữu hình cho niềm tin sâu sắc vào quá khứ hào hùng của dân tộc, được cộng đồng dân tộc tôn vinh, giữ gìn như một biểu tượng thiêng liêng về Tổ Thánh của cả nước. Là nơi hội tụ niềm tin, lòng tự hào về truyền thống và khát vọng vươn lên của đất nước. Về giỗ Tổ lần này, sử sách còn ghi chép lại rằng cụ Huỳnh đã kính lễ dâng hương cùng một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm để cáo với Tổ tiên về vận nước tuy vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng đang đứng trước họa xâm lăng.

9 năm kháng chiến thắng lợi, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, người người hân hoan, reo vui khải hoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đích thân về Đền Hùng để cáo Tổ. Ngày 18/9/1954, Bác đi từ Đại Từ, (Thái Nguyên) qua bến Bình Ca sang đất Tuyên Quang, trên đường đi Bác thăm đơn vị bộ đội ở đồi Chò (thôn Kim Lăng, xã Châu Mông, huyện Đoan Hùng); gần trưa Bác vào thăm thị xã Phú Thọ tìm hiểu tình hình đời sống, làm ăn của bà con, sau đó Bác vào thăm Văn phòng Tỉnh ủy Phú Thọ ở nơi sơ tán (thôn Quang Trung, xã Thanh Hà). Chiều tối cùng ngày Bác về đến Đền Hùng. Sáng ngày 19/9/1954, Bác đi từ cổng chính lên núi Nghĩa Lĩnh viếng mộ Tổ và thăm các di tích từ Đền Hạ, chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng và Lăng Mộ. Người đọc bài minh trên quả chuông treo ở cây đại phía bên trái đền. Đến bên cây thiên tuế trước chùa Thiên Quang, Bác nghỉ chân nghe đồng chí Song Hào, Chính ủy Đại đoàn 308 báo cáo tỉ mỉ về tình hình của Đại đoàn và kế hoạch đưa bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Sau đó Bác xuống Đền Giếng. Khoảng 9 giờ, cán bộ các Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Trung đoàn 36, Trung đoàn 88 (Trung đoàn Tu Vũ) và một số tiểu đoàn trực thuộc của Đại đoàn, gần 100 cán bộ, chiến sĩ ngồi dưới sân đền nghe Bác nói chuyện. Bác giảng giải: “Đền Hùng thờ các Vua Hùng, Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta”. Bác căn dặn: “Bộ đội ta đánh giặc giỏi nhưng làm sao chiếm được lòng dân. Không phải chiến thắng rồi muốn làm gì thì làm. Nắm lấy dân để dân tin cậy đó là điều quan trọng. Các chú phải lo cho việc tiếp quản Thủ đô cho chu đáo, phải bảo vệ tài sản trong thành phố, bây giờ thuộc về nhân dân chứ không phải thuộc về địch mà ta phá phách. Đối với kẻ thù khi nó phá hoại, chống đối thì ta ra tay trừng trị, còn khi nó đã hạ súng quy hàng thì ta phải đối phó với nó nhân đạo. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

9860-1681438090-moitruongvadothi-den-hung

Thụ cảm linh khí đất Tổ, với tư duy phong phú, tâm hồn lạc quan và sự tích lũy thực tiễn của công cuộc vận động cách mạng đã đúc kết thành một tư tưởng lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong lời căn dăn cán bộ, chiến sĩ. Lần đầu tiên chặng đường dài mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc, được Người tổng kết trong một câu nói lịch sử nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn mà còn là sự tri ân và ý thức tôn vinh Tổ tiên các Vua Hùng của người đứng đầu Nhà nước thời hiện tại. Chọn Đền Hùng, Quốc Tổ để khẳng định nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao mới của lịch sử. Nói về các Vua Hùng tại nơi thiêng liêng Bác đã khơi gợi cho các thế hệ đời sau ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn, ý thức tôn vinh Tổ tiên “Uống nước nhớ nguồn”. Sau hành lễ và căn dặn bộ đội Bác trở về Đại Từ.

Năm 1962, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền Nam, Bắc diễn ra quyết liệt. Ngày 19/8/1962, Bác về thăm Đền Hùng. Khi đến Đền Hạ, các đồng chí đi cùng sợ Bác mệt xin Bác nghỉ lại, để xuống núi, Bác nói: Leo núi phải leo đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng, đã đi phải tới đích. Bác lên Đền Trung, Đền Thượng. Khi ra về Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan”.  

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954.

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, ngày 19/9/1954.

Thực hiện lời Bác, nhân dân Phú Thọ và cả nước đã làm nhiều việc tu bổ, xây dựng khu di tích Đền Hùng khang trang, đẹp đẽ, trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, trung tâm văn hóa, trung tâm lễ hội. Rừng xanh rợp bóng cây, đường đi phong quang sạch sẽ, các đền đã được trùng tu tôn tạo, nâng cấp, xây dựng mới đền thờ Lạc Long Quân và Đền Mẫu Âu Cơ... Các di sản văn hóa phi vật thể trong các lễ hội xưa được phục hồi, Nhà nước đã thực hiện hành lễ theo nghi thức Quốc lễ, toàn dân được nghỉ việc để tham gia lễ hội tri ân công đức Tổ tiên.

Một sớm đầu xuân trước ngày Quốc giỗ, Đền Hùng nhộn nhịp đón khách. Mưa xuân nhè nhẹ giăng tơ trên những tấm lá non. Bạt ngàn một màu xanh biêng biếc nổi bật màu trắng toát tấm phù điêu cao 7m, rộng 12m được ghép bằng 83 tấm đá, thể hiện hình ảnh Bác Hồ đang nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong tại Đền Giếng và câu nói của Người: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Muôn người như một, sau khi hành lễ dâng hương Quốc Tổ đều đến đây đặt hoa tưởng niệm Bác Hồ và thụ cảm sâu sác lời Bác nơi đất Tổ thiêng liêng.