Theo tài liệu của cơ quan điều tra, khoảng cuối năm 2011 đầu năm 2012, Nguyễn Trung Kiên biết công ty Cổ phần SimCo Sông Đà đang có nhu cầu tuyển lao động nên đã nảy sinh ý định làm giả con dấu của Công ty này để đến cơ quan, đơn vị, địa phương tuyển người đi lao động ở nước ngoài. Kiên thuê người làm giả 1 con dấu của công ty Cổ phần SimCo Sông Đà, 1 con dấu chức danh Tổng Giám đốc, 1 Phó Giám đốc mang tên Nguyễn Trung Kiên với giá 6 triệu đồng.
Sau khi có con dấu giả nêu trên, Kiên đến thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) thuê nhà để làm văn phòng. Đồng thời Kiên thuê một cô gái làm cán bộ tuyển dụng. Sau đó, Kiên sử dụng các con dấu giả trên làm giả các tài liệu của công ty như: Quyết định điều động và bổ nhiệm Nguyễn Trung Kiên giữ chức vụ Phó Giám đốc công ty Cổ phần SimCo Sông Đà; bảng phân công công tác về thực hiện chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) rồi đưa đến phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong nộp để làm giấy giới thiệu. Vị Trưởng phòng tin tưởng đó là giấy tờ thật nên đã cấp giấy giới thiệu cho Kiên đến các địa bàn các xã ở huyện để tuyên truyền vận động người dân đi xuất khẩu lao động.
Trước những lời ngon ngọt của Kiên về việc xuất khẩu lao động thoát nghèo, lại thấy giấy giới thiệu của Phòng Lao động và Thương binh Xã hội huyện, 6 người dân ở huyện Quế Phong đã vay mượn tiền đưa tiền cho Kiên làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động. Những người đó gồm: Anh L.V.T. (24 tuổi), anh L.V.T. (24 tuổi), anh L.V.M. (26 tuổi), anh H.V.Q. (27 tuổi), LT.T. (26 tuổi) và anh V.V.C. (33 tuổi). Ở những lần giao dịch này, Kiên tự ký vào văn bản đại diện công ty, dùng con dấu giả đóng vào bản cam kết và đưa cho những người lao động nhằm tạo sự tin tưởng trong quá trình tuyển lao động. Kiên lập hồ sơ giả để giải ngân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện cho 6 người trên.
Khi những người đăng ký đi xuất khẩu lao động được vốn ngân hàng, Kiên làm phiếu thu giả thu của 6 gia đình trên tổng 800 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt được Kiên mua xe ô tô, mua đất và chi tiêu cá nhân. Các nạn nhân sau khi đưa tiền cho Kiên nhưng đợi mãi không được thì mới phát hiện mình bị lừa. Khi công an vào cuộc điều tra, Nguyễn Trung Kiên đã trả lại cho bị hại 420 triệu đồng.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật nên cần xử lý nghiêm. Sau khi cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Kiên 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt Kiên phải chịu là 11 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc Kiên phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của 6 nạn nhân.