Đặc biệt, sau khi Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về việc khám thông tuyến huyện chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, các bệnh viện tư nhân vừa mới được xếp hạng II nay đã xuống còn hạng III. Điều này có nguy cơ sẽ gây ra tình trạng bội chi quỹ BHXH trong thời gian tới.
Xin xuống hạng để hút bệnh nhân có BHYT
Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh cải cách chính sách thu hút đầu tư, Nghệ An đã trở thành điểm đến để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiến hành xây dựng các công trình dân sinh với quy mô lớn nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó phải kể đến các công trình có ý nghĩa phúc lợi và an sinh xã hội là hệ thống bệnh viện tư nhân. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã không đắn đo khi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để xây dựng cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Bên cạnh đó, hệ thống các máy móc cũng như trang thiết bị y tế có thể cạnh tranh với các bệnh viện lớn cấp tỉnh và trung ương. Bằng chứng là nhiều bệnh viện tư nhân sau khi đi vào hoạt động đã được các cơ quan chức năng xếp hạng II tương đương bệnh viện tuyến tỉnh.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế ban hành Thông tư 40/2015/TT-BYT chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2016, các bệnh viện tư nhân đã được xếp hạng II đồng loạt xin được xuống hạng III. Theo thống kê của Sở Y tế Nghệ An, đến nay, trên địa bàn đã có 10 bệnh viện tư nhân xin được xuống còn hạng III gồm: Bệnh viện 115, Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Cửa Đông, Bệnh viện đa khoa Phủ Diễn, Bệnh viện đa khoa Thành An – Sài Gòn, Bệnh viện đa khoa Thái An, Bệnh viện Quốc tế Vinh… Lý giải vì sao từ hạng II tương đương cấp tỉnh lại xin xuống hạng III, lãnh đạo một số bệnh viện tư nhân cho rằng, nếu không làm như vậy thì sẽ không thu hút được bệnh nhân. Cụ thể, dựa vào Thông tư 40/2015/TT-BYT thì việc quy định nếu người dân có thẻ BHYT thì có thể khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện nào tuyến huyện hoặc tương đương mà vẫn được bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả như nhau. Một nguyên nhân nữa đó là nếu bệnh viện vẫn ở hạng II (tương đương cấp tỉnh) thì sẽ không được nhận khám, chữa ban đầu mà chỉ được nhận các trường hợp từ tuyến huyện chuyển lên.
Mặt khác, quy định tại Điều 8, Chương III thuộc Thông tư 40/2015/TT-BYT nêu rõ: “Người tham gia bảo hiểm y tế được quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư này, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Có nghĩa là, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến xã hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tuyến huyện và tương đương thì người dân sẽ được quyền đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo BHYT. Ngược lại, nếu bệnh viện được xếp hạng III (tương đương tuyến huyện) thì sẽ được thông tuyến khám, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này.
Thực hiện Thông tư 40/2015/TT_BYT, nhiều bệnh viện tư nhân xin xuống hạng
Trục lợi BHYT?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được thông tuyến khám, chữa bệnh giữa các đơn vị với nhau, nhiều bệnh viện đã bắt đầu tập trung các chiêu thức để thu hút, “níu giữ” bệnh nhân có thẻ BHYT. Và, tình trạng bác sỹ chỉ định chụp chiếu, nội soi… những danh mục không cần thiết phải thực hiện đối với người bệnh để tăng nguồn chi trả BHYT là điều khó tránh khỏi. Bởi theo quy định tại Thông tư 40 thì việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh sẽ được BHXH giải quyết cho các đơn vị cùng hạng như nhau. Vì vậy, nguy cơ bội chi quỹ khám, chữa bệnh đối với BHXH là rất lớn. Mặt khác, khi được xếp hạng III, nhiều bệnh viện tư nhân cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh với bệnh viện công lập cùng tuyến.
“Tôi bị bệnh về tai – mũi - họng nên đã xuống thẳng bệnh viện tư nhân ở Vinh khám chữa vì nghe nói họ đã thông tuyến với nhau. Khi xuống đây, dù chỉ yêu cầu khám nhưng vẫn được bác sỹ khuyên nên nội soi, chụp chiếu đầy đủ. Vì nghĩ mình có thẻ BHYT chi trả nên tôi cũng không ngần ngại nghe theo chỉ dẫn của bác sỹ” – anh Sầm Văn Chung ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho biết. Đây cũng là lý do mà nhiều người dân mặc dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn sính tâm lý thích xuống các bệnh viện tư nhân ở Vinh chữa bệnh. Đơn giản vì họ không phải làm các thủ tục chuyển viện như trước mà chỉ cần có thẻ BHYT thì có thể đến bất kỳ bệnh viện nào đã thông tuyến khám, chữa bệnh.
Theo lãnh đạo BHXH tỉnh Nghệ An, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn đã chi vượt quỹ hơn 351 tỷ đồng cho công tác khám, chữa bệnh. “Cùng với việc tăng giá các dịch vụ y tế cho các đối tượng có thẻ BHYT từ 1/3/2016 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính và Thông tư 40/2015/TT-BYT đã khiến cho nguồn chi vượt so với dự kiến. Bên cạnh đó, thực trạng các bệnh viện xin xuống hạng để được khám, chữa bệnh thông tuyến đã gây ra nhiều áp lực cho phía BHXH…” . Ngoài ra, qua phân tích đánh, giá của phía BHXH thì tình trạng trục lợi, khai gian chi phí khám, chữa bệnh vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị trong thời gian qua.