Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhu cầu tiêu dùng trong dịp áp Tết Nguyên đán vẫn tăng. Qua tìm hiểu, nếu sức mua những mặt hàng ở các tháng trong năm ì ạch thì dịp này, các sản phẩm lại bán rất chạy.
Điển hình như hương trầm, nước mắm, thực phẩm tươi sống, rau sạch, mật mía, hoa…đều được các chủ đại lý bán buôn đặt hàng từ trước. Đặc biệt, ở các làng nghề truyền thống chuyên sản xuất các nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, sản lượng bắt đầu tăng nhảy vọt so với trước đó. Chính vì vậy, để đáp ứng được số lượng mà khách hàng cần, nhiều chủ cơ sở sản xuất bắt đầu huy động nhân công để gia công, chế biến.
Theo thông lệ, cứ đến tháng 10, 11, 12 âm lịch hàng năm là dịp cao điểm ở các làng nghề sản xuất hương trầm truyền thống ở huyện Quỳ Châu. Bởi đây là địa phương có "thâm niên" làm hương trầm phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc từ nhiều đời nay.
Nghề hương trầm ở đây đang giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Đến thời điểm hiện nay, theo thống kê của UBND huyện Quỳ Châu thì trên địa bàn đã có 1 HTX, 6 làng nghề chuyên sản xuất hương trầm phục vụ cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Các cơ sở sản xuất hương trầm chủ yếu tại thị trấn Tân Lạc, xã Châu Hạnh, Châu Hội… với số lượng hàng triệu búp hương thành phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán mỗi năm hiện nay cũng đang vào vụ chính.
Anh Lê Thanh Phong, một chủ cơ sở sản xuất hương trầm ở khối Tân Hương, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu cho biết: "Năm nay, ngoài việc chuẩn bị phơi phóng nguyên liệu làm hương trầm từ thời điểm nắng nóng, khô ráo trước đó, đến thời điểm cuối tháng 10 âm lịch, gia đình mình bắt đầu huy động nhân công làm. Trung bình mỗi ngày, với 5 nhân công, gia đình mình quấn được gần 1.000 búp hương các loại. Hầu hết sản phẩm được đặt hàng nên càng gần Tết lại càng phải đẩy nhanh tiến độ làm hương để kịp giao cho khách hàng".
Một điều đáng ghi nhận ở các làng nghề sản xuất hương trầm trên địa bàn huyện Quỳ Châu là năm nay, nhờ sự vào cuộc tích cực trong công tác bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nên việc dán nhãn mác, đóng gói được các cơ sở làm rất cẩn thận. Vì vậy, người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận biết được sản phẩm đặc trưng của hương trầm Quỳ Châu chính hiệu. Tình trạng hương trầm nhái nhãn mác, giả thương hiệu cũng được các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch vào cuộc để dẹp bỏ.
Cũng giống như các làng nghề ở huyện Quỳ Châu, năm nay, ở nhiều địa phương ven biển, tình hình sản xuất nước mắm truyền thống cũng đang tấp nập vào vụ. Ở các làng nghề nước mắm truyền thống như phường Quỳnh Dị (Thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Quỳnh Nghĩa (huyện Quỳnh Lưu), Vạn Phần (Diễn Châu), Cửa Hội (thị xã Cửa Lò)…cũng đang hối hả đưa hàng ngược xuôi ra thị trường.
Vì nhu cầu dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tăng cao nên tại các cơ sở sản xuất nước mắm nói trên, người tiêu dùng đã chủ động liên hệ đặt hàng trước đó. Cùng với đó, hàng nghìn lít nước mắm các loại đã được tích trữ sẵn để giao cho khách hàng sau 1 năm cất ủ, ướp chín nguyên liệu cá.
Tùy từng loại nước mắm cốt được rút ra với chất lượng khác nhau, giá cả năm nay dao động từ 80.000 đến gần 200.000/lít nước mắm. Qua tìm hiểu được biết, nước mắm cốt truyền thống ở các làng nghề trên địa bàn Nghệ An năm nào cũng "cháy hàng" vào dịp Tết Nguyên đán.
Còn ở các làng nghề trồng hoa, cây cảnh…thì không khí hối hả vào vụ Tết cũng tấp nập không kém. Tại các địa phương chuyên trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết ven đô TP Vinh như Nghi Liên, Hưng Đông, Đông Vĩnh…đến thời điểm này, các hộ cũng đang khẩn trương dùng mọi biện pháp như chiếu điện sáng, tủ ni lông để điều chỉnh quá trình sinh trưởng và phát triển của cây hoa nhằm kịp thời đưa ra thị trường trong một vài ngày tới. Một lượng lớn hoa sắp nở cũng đã tung ra thị trường từ mấy ngày trước.
Làng nghề mật mía làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn từ lâu nức tiếng xa gần bởi hơng vị thơm ngon, sánh mịn. Dịp cận tết này, hàng chục gia đình theo nghề ép mật mía ở các xóm 12,13,14,15 đang tất bật với công việc của mình để kịp cho ra sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách.
Ông Nguyễn Văn Liễu – Chủ nhiệm HTX làng nghề chế biến mật mía làng Găng cho biết: "Thời tiết năm nay nắng ấm đảm bảo cho thu hoạch mùa. Sản phẩm mía năm nay độ đường, mật rất cao nên sản phẩm chất lượng cũng rất tốt. Nông dân thu hoạch rất phấn khởi để đưa vào chế biến sản phẩm mật mía làng nghề".
Trung bình mỗi gia đình mỗi vụ mía nấu mật mía từ 20 - 30 phi mật, tính bình quân thu nhập của người dân từ 70 - 90 triệu đồng. Mỗi hộ gia đình tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động dôi dư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương. Để phát huy sản phẩm mật mía, UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo bà con phát triển nghề kéo che, ép mật, bán đường bánh, mở rộng thị trường để giúp người dân Nghĩa Hưng ổn định được nghề mật mía, góp phần vào nâng cao đời sống cho bà con nhân dân - Ông Trần Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết.
Tương tự, làng nghề bánh gai Xứ Dừa ở xã Tường Sơn (huyện Anh Sơn) năm nay cũng tất bật không kém. Hàng chục cơ sở làm việc ngày đêm, huy động hàng chục công nhân làm bánh để đap ứng nhiều đơn hàng từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.