Không được quy hoạch mỏ cát nên “cát tặc” hoạt động nhiều năm nay ở sông Nậm Mộ, huyện Kỳ Sơn
Kỳ Sơn là huyện miền núi với đường biên giáp với nước bạn Lào khá dài. Đây là huyện miền núi biên giới có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhiều đồi núi, sông suối có lưu lượng nước và lưu vực nhỏ, độ dốc lớn. Vì thế, từ trước đến nay nguồn cung cát sỏi phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân cũng khan hiếm, giá cả đắt đỏ.
Được biết, cho đến nay huyện Kỳ Sơn không có mỏ cát nào được quy hoạch dù có 2 con sông chính là Nậm Nơn và Nậm Mộ. Vì thế, nguồn cung cát, sỏi cho nhu cầu của người dân cũng hết sức khan hiếm.
“Cả huyện chúng tôi không được quy hoạch mỏ cát, sỏi xây dựng nào vì sông suối nhỏ, hẹp, độ dốc lại lớn nên trữ lượng cát, sỏi không đủ lớn để quy hoạch thành mỏ. Vì thế, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn nếu muốn mua cát để xây dựng công trình chỉ còn cách là chở tận dưới Anh Sơn với cung đường vận chuyển hành trăm cây số. Nếu không thì mua với những “cát tặc” hoạt động nhỏ lẻ trên các sông suối trên này” – Anh Moong Văn Kèo, ở xã Nậm Càn, cho hay.
“Cát tặc” hoạt động ở sông Dinh (xã Thọ Hợp, Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp).
Do nguồn cung về cát, sỏi khan hiếm; cộng thêm cung đường vận chuyển vào nhiều xã của huyện Kỳ Sơn quá xa nên giá cả cát, sỏi trên địa bàn huyện này cũng rất đắt. Cá biệt có một số xã như Mường Típ, Mường Ải, Na Ngoi, Nậm Càn, Phà Đánh…giá mỗi mét khối cát chở đến tận nơi cũng lên đến hàng triệu đồng. Vì thế, việc xây dựng các công trình có sử dụng vật liệu cát sỏi là thứ khá xa xỉ đối với đồng bào các dân tộc ở nơi đây.
Tương tự như huyện kỳ Sơn là các huyện Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp…cũng khó quy hoạch mỏ cát. Vì thế lượng cát, sỏi để phục vụ nhu cầu xây dựng là hết sức khó khăn. Được biết, tại huyện Quỳ Hợp có quy hoạch một mỏ cát ở sông Dinh. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào dám đứng ra để xin cấp mỏ vì trữ lượng cát quá ít so với chi phí bỏ ra.
Sông Nậm Mộ (huyện Kỳ Sơn) có lưu vực nhỏ, lượng nước quá ít nên hầu như không có cát, sỏi đủ tiêu chuẩn xây dựng
Tương tự là tại huyện Quỳ Châu, dù tỉnh đã có quy hoạch một mỏ cát trên dòng sông Hiếu cho Doanh nghiệp tư nhân Trường Linh (đóng trên địa bàn xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) nhưng đến nay vẫn đang gặp phải một số vướng mắc nên chưa thể hoàn tất thủ tục khai thác. Tại huyện giáp ranh Quế Phong vấn đền nguồn cung cát sỏi cũng đang khiến cho người dân cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nguồn cát phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn.
Việc không có mỏ cát, sỏi xây dựng không những gây khó khăn cho người dân cũng như các đơn vị xây dựng các công trình mà còn khiến cho giá cả vật liệu này trở nên đắt đỏ. Đặc biệt, vấn đề trên làm phát sinh nạn khai thác cát cát trái phép trên các con sông, con suối trên địa bàn các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu…khiến nguồn tài nguyên nhà nước bị thất thoát, môi trường bị ô nhiễm.
Tại huyện Kỳ Sơn lâu nay xuất hiện 3 điểm khai thác cát trái phép. Đó là điểm khai thác tại Bản Cánh, xã Tà Cạ; xã Mỹ Lý và xã Chiêu Lưu. Còn ở huyện Quỳ Hợp thì “cát tặc” thường khai thác trên sông Hiếu, đoạn đi qua xã Đồng Hợp, giáp ranh với xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn). Riêng ở huyện Quỳ Châu thì xuất hiện “cát tặc” nhiều ở Sông Hiếu, đoạn đi qua xã Châu Hạnh và thị trấn Tân Lạc. Ở huyện Quế Phong thì tình trạng khai thác cát trái phép luôn là đề tài nóng đoạn phía trên cầu Châu Kim cũng như khai thác một số điểm nhỏ lẻ trên sông Quang đoạn qua xã Cắm Muộn…
Nói về khó khăn về nguồn cung cát sỏi trên địa bàn, ông Vy Văm Minh – Phó phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Huyện chúng tôi không có mỏ cát do trữ lượng quá ít. Vì thế, có một số lưu vực sông có một lượng cát sỏi nhất định thường bị “cát tặc” khi thác khiến cho công tác quản lý của huyện nhà gặp không ít khó khăn”.
Chia sẻ của ông Minh cũng là những trăn trở của các cơ quan chức năng ở các địa phương nói trên. Vì thế, bài toán về vật liệu xây dựng cát, sỏi ở các huyện miền núi Nghệ An là một bài toán khó giải.