Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ An: Chi 75,4 tỷ tiền Dịch vụ môi trường rừng trong năm 2016

Báo cáo từ Quỹ bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An, năm 2016 tỉnh này đã tiến hành chi trả cho các chủ rừng tiền dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế cho các dự án với tổng số tiền là 75,4 tỷ đồng.

 

Năm 2016 là năm thứ 5 tỉnh Nghệ An tổ chức vận hành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP. Cho đến nay, nguồn thu huy động đạt gần 300 tỷ đồng (chiếm khoảng 5% tổng thu của cả nước). Trong đó kết quả thu của năm 2016 đạt trên 53 tỷ đồng.

Năm 2016, Quỹ bảo vệ phát triển rừng Nghệ An đã tiếp tục giải ngân được trên 75,4 tỷ đồng. Trong đó, chi tiền dịch vụ môi trường rừng trên 65,9 tỷ đồng cho 6.559 chủ rừng (11 chủ rừng là tổ chức, 51 UBND xã, 6.497 hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được giao đất lâu dài); chi tiền trồng rừng thay thế cho các dự án trên 9,4 tỷ đồng.

Năm 2016 Nghệ An chi trả hơn 75 tỷ đồng tiền DVMTR

Với nguồn lực tài chính thu từ dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với tạo việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc miền núi được tốt hơn; đã góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn các địa phương, nhất là tại các khu vực miền núi, vùng cao biên giới.

Theo đơn giá tạm tính mà Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng gửi các địa phương thì lưu vực các thủy điện Bản Cốc, Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt,  Nậm Mô, Nậm Cắn đạt trên 200.000 đồng/ha/năm; phần còn lại gồm các lưu vực thủy điện: Bản Cánh, Nậm Nơn, Khe Bố, Sao Va, Nậm Pông có giá dưới 100.000 đồng/ha/năm. Trong đó cá biệt ở lưu vực thủy điện Nậm Nơn là 46.000 đồng/ha/năm; lưu vực thủy điện Khe Bố là 28.000 đồng/năm. Đây được xem là tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng. Vì một số lưu vực chi trả thấp sẽ dẫn đến tình trạng có sự so sánh từ các chủ rừng, khó động viên người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng.

Bên cạnh đó, việc truy thu tiền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP từ năm 2012 trở về trước còn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai nguồn thu từ các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước còn gặp nhiều trở ngại; Thông tư 26/2015/TT-BNNPTNT quy định trồng rừng thay thế chỉ được bố trí trồng rừng phòng hộ, đặc dụng dẫn đến ảnh hưởng tiến độ…

Năm 2017, cơ quan điều hành quỹ dự kiến tổng thu dịch vụ môi trường rừng là khoảng 52,7 tỷ đồng (trong đó, thu từ nguồn ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt khoảng 49,7 tỷ đồng); kế hoạch chi là 52,7 tỷ đồng.