Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Nghệ An: Chống “cát tặc”, cần có giải pháp chuyển đổi, giải quyết việc làm

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh, siết chặt quản lí vấn đề khai thác cát. Các địa phương cũng đã có những chỉ đạo các cấp ngành quyết liệt xử lí. Tuy nhiên rất khó đề có thể xử lí dứt điểm. Riêng Nghệ An, cơ quan chức năng quyết liệt xử lí, nhưng dân vẫn có đơn phản ánh vấn đề “cát tặc”. Nguyên nhân do đâu?

 

“Cát tặc”, ngang nhiên hút cát giữa ban ngày, tại Thanh Chương.


Gian nan chống “cát tặc”

Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được đơn của nhiều hộ dân phản ánh về việc khai thác cát trái phép tại khúc sông thuộc thuộc nhiều địa phương khác nhau. Tại xóm 3 xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, hiện tượng “cát tặc” diễn ra  tràn lan, bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng  đến cuộc sống của nhân dân trong vùng.

Đã rất nhiều lần người dân ở đây  có ý kiến với chính quyền địa phương, nhưng  chính quyền chưa thể giải quyết triệt để, trả lại sự yên bình cho người dân nơi đây.

Theo khiếu nại của người dân và tìm hiểu chu trình hoạt động của cát tặc. 11h trưa, chúng tôi có mặt tại đê tả Lam, điểm khai thác cát trái phép tại xã Hưng Lợi. Vào thời điểm này, nhiều tàu phà đang rầm rập hút cát tiếng động cơ làm náo loạn cả bầu không khí yên tĩnh của xóm chài ven sông.

Rất nhanh chóng chúng tôi bị phát hiện, những tàu phà hút cát lần lượt rút lui tìm nơi ẩn náu. Các xà lan hút cát đã đi khuất, nhưng mùi xăng dầu vẫn đang ám cả một khúc sông.

Bà Ngô Thị Hoàn, người dân xóm 3 Hưng lợi, nói: “Lịch trình khai thác của các phà cát lậu là từ 3h đến 5h sáng, sau đó vì trời sáng, người dân qua lại nhiều nên họ rút về. Đến hơn 11h trưa, nắng to, vắng người, họ lại kéo phà ra hút cát. đến khoảng hơn 11h trưa lại quay ra hút vội rồi về, đến 17h chiều lại quay lại hút tiếp. Và từ thời điểm này đến khuya là các Phà cứ thay nhau hút”.

 

Nhiều khúc sông bị sạt lở nghiêm trọng do “cát tặc”.


Ông Trần Xuân Minh, người dân Hưng Lợi, nói: “Người dân chúng tôi sống ở đây thời gian qua cực lắm, vào thời điểm nhiều phà cùng hút cát thì ầm ĩ, rồi mùi xăng cứ nồng nặc bốc lên. Bà con sợ nhất là trước tình trạng hút cát liên tục như thế này sẽ dẫn đến sạt lở, rất nguy hiểm. Điều đáng nói là những mỏ đã được quy hoạch thì họ không vào hút cát mà cứ vào điểm không an toàn để khai thác”.

Được biết, có những đầu nậu đã bỏ tiền thuê dân vạn chài xã Hưng Lợi khai thác cát trái phép rồi bán lại cho doanh nghiệp, hoặc bán cho dân trong vùng xây nhà. Mỗi Phà khi hút lên được khoảng 80 khối có giá dao động từ 4,5 đến 5 triệu đồng, gần đây đã xuất hiện những phà hút cát kích cỡ 300m3.

Anh Hùng, một người dân, xóm 9 xã Hưng Lợi, chuyên đi hút cát thuê, cho biết: “Không đi hút cát thì biết làm chi ra ăn anh mồ. Ruộng đất thì không có, nghề nghiệp cũng không. Tui giừ ngày mô cũng lo không biết kiếm chi cho năm đứa con ăn, rồi tiền đi học, tiền quần áo…”.

Tại xã Nam Cường( Nam đàn  -Nghệ An), người đàn ông tên Trung, đang làm nghề hút cát thuê, buồn bã nói: “Đi hút thuê cho họ kiếm tiền cơm hàng ngày thôi chú ạ, không biết làm chi mà sống cả… Mỗi ngày họ trả 200 ngàn, họ bán được mấy thì tui không biết…”.

“Anh em cũng làm cát nhiều năm nay rồi. Giấy tờ, thủ tục thì đang làm nhưng chưa được, việc khai thác vẫn cứ khai thác vì anh em không có công ăn việc làm đâu. Vừa rồi xã mới phạt 5 triệu; mới đây huyện lại lập biên bản tiếp nhưng chưa có tiền để nộp phạt. Giờ chán lắm rồi…” – Ông Nguyễn Cảnh Hào, chủ “cát tặc” tại xã Ngọc Sơn (Thanh Chương- Nghệ An) cho biết.

Cần có giải pháp chuyển đổi việc làm

Tìm hiểu nguyên nhân của khó khăn trong công tác chống “cát tặc”, chúng tôi được biết có một nguyên nhân hết sức cơ bản là từ xa xưa, các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn… có nhiều hợp tác xã vận tải, một số lượng lớn các tàu thuyền và nhiều hộ kinh doanh cá thể, tham gia kinh doanh vận tải đường sông. Sau này xuất hiện nhiều phương tiện vận tải khác, có tốc độ nhanh hơn, chi phí thấp hơn, đã dần thay thế các phương tiện vận tải đường sông. Điều đó đã tạo nên sự dư thừa cả ngàn lao động. Những lao động này, cùng với hàng trăm lao động dân vạn đò mò cua bắt ốc kiếm sống qua ngày. Sau này khi tôm cá, cua ốc bị đánh bắt gần như cạn kiệt thì họ không có công ăn việc làm ổn định. Nay làm việc này mai làm việc khác, tiện việc gì ai thuê gì làm nấy.

 

“Cát tặc”, hút cát về bán cho các bên tập kết thủy nội địa bên sông.


Khi giá trị từ cát xây dựng và san lấp công trình dần tăng lên (hiện tại cát san lấp 45 000đ/ m3, cát xây dựng 65 000đ/ m3). Các đầu nậu cần thêm nhân lực đã thuê số lượng lao động này. Dần dần họ vận động góp tiền và mua những tàu nhỏ, ít tiền hơn tự đi hút trộm bán cho các bến thủy nội địa, tập kết bên sông.  

Bà Phan Thị Thơ, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lợi cho biết: “Hiện tại rất khó khăn, tại xóm 9, có gần 130 hộ, hàng trăm lao động, trước đây làm nghề vận tải đường sông. Giờ đất sản xuất không có. Muốn có đất sản xuất cho số lượng lao động này thì phải có ý kiến của quốc hội. Nghề nghiệp không, đánh bắt cá cũng không có cá để đánh bắt. Hiện tại họ có 20 chiếc phà đều có phép vận tải, nên họ trang bị thêm máy hút và lén lút hút trộm. Xã có biết, đã báo cáo huyện và đã phối hợp với huyện bắt hai tàu, nhưng đâu lại vào đó”.

Ngược dòng sông Lam, tại huyện Nam Đàn là một huyện cũng nhức nhối về nạn “cát tặc”. Đặc biệt các xã Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Cường… hiện nay nạn “cát tặc” đã hạn chế được nhiều, thế nhưng để xử lí được dứt điểm là vấn đề vô cùng khó khăn.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tại lực lượng lao động dư thừa từ vạn đò và vận tải đường sông là khoảng 300 lao động, hiện tại không có công ăn việc làm cụ thể. Nay đây mai đó, ai thuê gì làm nấy. Ông Nguyễn Tư An, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH Nam Đàn, cho biết: “Khó khăn lắm anh ạ. Năm 2016, vận động mãi chỉ được 5 người trong tổng số mấy trăm lao động tham gia học nghề theo đề án1956. Họ không mặn mà gì, vì học xong không có việc để làm vả lại họ quen sông nước rồi nên không muốn đi đâu”.

Các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Thái Hòa… đều trong tình trạng như trên.

 

“Cát tặc” đang lộng hành khắp nơi với nhiều thủ đoạn khai thác tinh vi.


Ông Trình Văn Bằng – Trưởng Phòng TN&MT huyện Thanh Chương đã không cần dùng đến sổ sách cũng có thể nhớ và đọc vanh vách 25 xã thường có “cát tặc” lộng hành. “Chúng tôi cũng đã xử lý nhiều lắm rồi nhưng chưa thể triệt để. Càng ngày các đối tượng khai thác trộm càng tinh vi, rất khó xử lí. Vả lại các phương tiện ca nô, tàu thuyền và các phương tiện khác cấp cho các địa phương để chống “cát tặc” không có nên rất khó khăn”.

Hiện tại nhiều làng chài như Hưng Hòa (Tp Vinh), Hưng Long (Hưng Nguyên), Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn… vẫn còn tình trạng dân chưa lên bờ hẳn, cũng không phải ở dưới sông hẳn, chưa có đất sản xuất, nghề nghiệp khác không có. Vốn cũng không nên việc họ phải hút cát thuê để kiếm sống qua ngày là điều đang diễn ra. Các cơ quan chức năng cần có các giải pháp cụ thể để chuyển đổi và giải quyết việc làm cho số lượng lao động này, mới mong chống được “cát tặc”.