Bà Cao Thị Sâm, vợ liệt sỹ sống một mình trong căn nhà cũ nát, cũng bị Ngô Thanh Hoài ăn chặn chế độ.
Ăn chặn tiền “xương máu”
5 bà vợ liệt sỹ tái giá tại xã Diễn Tân (Diễn Châu-Nghệ An), gồm bà: Đậu Thị Tri (xóm 1), Cao Thị Sâm (xóm 2), Lưu Thị Chức (xóm 3), Đặng Thị Triển (xóm 3) và bà Đậu Thị Nhị (xóm 3).
Năm 2013, khi Nhà nước ban hành Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công, những bà vợ liệt sĩ này nằm trong đối tượng được hưởng chính sách. Các gia đình cũng đã làm hồ sơ và nộp qua xã để nhờ xã gửi lên huyện. Thời điểm này, có một tiêu chuẩn yêu cầu các bà phải có giấy đăng ký kết hôn, nhưng không ai có. Bởi vì ngày trước đăng ký kết hôn chỉ là một tờ giấy viết tay, có khi lấy nhau chẳng có giấy tờ gì. Cũng có người khi nhận tin báo tử của chồng đã “hóa” giấy đăng ký kết hôn cùng các kỷ vật khác. Vì vậy hồ sơ của các bà đều bị trả lại nhiều lần.
Quá chán nản với việc hồ sơ bị trả lại, đến đầu năm 2016 (lúc này quy định chế độ hưởng trợ cấp vợ liệt sĩ tái giá đã được nới lỏng, không yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn, nhưng các gia đình này không biết - PV), thì có một người tên là Ngô Thanh Hoài đến từng nhà nhận “chạy” chế độ cho các gia đình, với thỏa thuận nếu làm được thì các gia đình phải nộp ngay 20 triệu đồng, nếu không nộp một lúc thì phải nộp 20 tháng trợ cấp, mỗi tháng 1,3 triệu.
Sau khi thỏa thuận với “cò” Ngô Thanh Hoài, từ tháng 3 đến tháng 4/2016, 5 bà này đã có quyết định được trợ cấp tiền tuất hàng tháng, mỗi người được 1.318.000 đồng.
Trong số 5 bà trên có gia đình bà Cao Thị Sâm nộp ngay 21 triệu đồng thì được nhận quyết định gốc có đóng dấu đỏ do Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH ký, 4 người còn lại do không gom được đủ tiền nên chỉ được đối tượng Ngô Thanh Hoài đưa cho tờ quyết định pho to công chứng, hàng tháng khi các gia đình nhận tiền hôm trước thì hôm sau đối tượng này đến nhà “tịch thu”.
Tìm về địa chỉ thường trú tại xóm 2, xã Diễn Hoàng mà Ngô Thanh Hoài ghi trong một tờ giấy thỏa thuận, chúng tôi nhận được thông tin rằng Ngô Thanh Hoài rất ít khi về nhà, dù vẫn sinh hoạt Đảng tại địa phương. Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi được biết Ngô Thanh Hoài nguyên là công an, trước đây công tác tại Công an huyện Quỳnh Lưu, đã về hưu năm 2005.
Cần xử lí nghiêm
Phát hiện sự việc trái với đạo lý, chà đạp lên chính sách đối với người có công mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện, ông Cao Văn Khoa, một cán bộ quân đội nghỉ hưu trên địa bàn xã Diễn Tân đã làm đơn tố giác gửi UBND huyện Diễn Châu, đề nghị kiểm tra, làm rõ, xử lý những cán bộ làm sai tiếp tay cho “cò” lộng hành và buộc phải trả lại tiền cho các đối tượng mà họ đã chiếm dụng.
Bà Lưu Thị Chức, có chồng là liệt sĩ Đậu Huy Chất hy sinh năm 1971. Bà Chức cho biết, khi nghe có chế độ cho vợ liệt sĩ tái giá, con cháu bà cũng đã làm hồ sơ cho mẹ, nhưng khi gửi theo con đường từ xã, đến huyện và sở thì bị trả lại vì thiếu giấy đăng ký kết hôn. Dây dưa mãi không làm được, đầu năm 2016 thì ông Ngô Thanh Hoài đến nhận hồ sơ đem đi “chạy”. Sau khi có quyết định, ông Hoài chỉ đưa cho gia đình tờ pho to có công chứng, còn quyết định gốc thì ông giữ lại, suốt từ tháng 3/2016 đến hết năm 2016 gia đình bà cũng như các gia đình khác (chưa nộp tiền 1 lần) phải đưa cho ông Hoài mỗi tháng 1,3 triệu đồng,
Bà Lưu Thị Chức buồn bã vì nhiều tháng nay nhận được đồng chế độ nào phải nộp cho Ngô Thanh Hoài
Sang năm 2017 thì chỉ đưa 1 triệu đồng. Hỏi bà Chức có biết cụ thể ông Hoài này là ai, bà lắc đầu, chỉ biết tên chứ không biết thông tin gì thêm. Hàng tháng sau khi nhận tiền trợ cấp thì ông Hoài đến nhà đòi, thường vào những lúc con cháu bà đi vắng, đến lấy vội vàng rồi đi, lúc nào cũng đội mũ bảo hiểm và trùm khẩu trang.
Cũng như bà Chức, bà Đậu Thị Tri, vợ liệt sĩ Nguyễn Xuân Cương, bà Tri cũng thông qua Ngô Thanh Hoài mới được nhận chế độ, trước đó gia đình bà đi làm hồ sơ gửi lên xã, lên huyện thì bị trả lại. Bà Tri được nhận chế độ từ ngày 27/4/2016, nhưng Ngô Thanh Hoài cũng chỉ đưa cho gia đình tờ quyết định pho to công chứng. Bà Tri cũng cho biết do ông Hoài dọa nếu không đưa tiền thì sẽ bị cắt chế độ vì trong tay ông ta đang có quyết định gốc, nên các gia đình phải nghe theo.
Để các gia đình tin tưởng, Ngô Thanh Hoài đã làm một tờ giấy thỏa thuận, nếu Hoài làm được chế độ thì các gia đình phải bồi dưỡng 20 tháng tiền trợ cấp. Nếu đang làm mà gia đình dừng lại thì mất 5 triệu đồng.
Thông tin từ Sở LĐTB&XH Nghệ An, khi 5 bà có quyết định hưởng trợ cấp, có 2 người sở đã in 4 quyết định gốc và 3 người in 5 quyết định gốc. Trong đó 2 quyết định lưu tại sở và còn lại gửi cho Phòng LĐTB&XH huyện Diễn Châu để lưu và gửi cho đối tượng được hưởng. Thế nhưng gia đình các bà vợ liệt sỹ này cho biết đến ngày 2/11/2017 tất cả các quyết định này mới được gửi về cho các đối tượng.
Một câu hỏi đặt ra là trong lúc tại Phòng LĐTB&XH Diễn Châu còn nguyên các quyết định được sở gửi về thì tại sao đối tượng Ngô Thanh Hoài lại có được quyết định gốc để đem ra “dọa” các gia đình, buộc họ phải đưa tiền hàng tháng. Ông Chu Thế Huyền, Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, cho biết: “Huyện đã biết sự việc này, hiện tại chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lí”.