Cuối tháng 9/2022, cơn lũ tràn qua hồ cá rộng 4ha của ông Lê Văn Dũng (ngụ xóm Hùng Cường, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Cơn lũ khiến gia đình ông bị thiệt hại rất nặng nên được tỉnh Nghệ An hỗ trợ 15 triệu đồng, quy đổi thành hơn 200kg cá giống.
"Sau lũ, gia đình tôi tưởng được hỗ trợ bằng tiền như trước nên đã tự mua cá giống về thả cho kịp thời vụ. Giờ huyện lại hỗ trợ cá, không biết thả vào đâu. Mà cá giống được hỗ trợ quá nhỏ. Ở đây, chúng tôi thả cá hơn 5 lạng, trước lũ sang năm thu hoạch là vừa, nhưng không nhận thì cũng thiệt nên đành phải lấy. Sau khi thả được 1 ngày, khoảng 40kg cá giống đã bị chết, không biết dó giống kém hay hồ chật quá”.
Trớ trêu hơn, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ cùng xóm Hùng Cường) bị cơn lũ cuốn vỡ đập hồ nuôi cá hơn 1ha. Nhiều tấn cá chưa kịp thu hoạch bị trôi hết. Ông Tâm được tỉnh Nghệ An trích ngân sách hỗ trợ 10 triệu đồng. Tuy nhiên, thay vì được nhận tiền mặt như các năm trước, năm nay, ông Tâm được thông báo sẽ nhận cá giống.
Do hồ cá bị vỡ bờ, chưa thể khắc phục và nguy cơ không kịp thả vụ cá mới, ông Tâm làm đơn gửi lên UBND xã Kỳ Sơn đề nghị nhận tiền mặt để chủ động mua giống nhưng không được chấp nhận vì đó là chủ trương của huyện. Sau đó, ông Tâm được trao 130kg cá giống. Không có chỗ thả, ông phải gửi nhờ số cá này trong ao của con rể là anh Phạm Bá Tân, ngụ cùng xóm.
Trong khi đó, anh Tân cũng bị thiệt hại do lũ năm 2022 nên được hỗ trợ 60kg cá giống. Ao cá có diện tích nhỏ, chỉ đủ chứa khoảng 70kg cá giống, nay thả xuống tổng cộng 190kg cá của ông Tâm và anh Tân khiến ao bị quá tải.
"Hôm đến nhận cá, tôi nói muốn nhận tiền thì người ra bảo nếu vậy chỉ được 2 triệu đồng. Thấy bèo bọt quá nên tôi đành phải lấy cá. Giờ lấy cá thì không có chỗ để nuôi", ông Tâm cười buồn. Ông cho biết thêm, do phải chạy lũ nên người dân ở đây nuôi cá theo vụ, cá giống phải lớn từ 0,5 - 0,7kg mỗi con, tuy nhiên cá giống được cấp lần này quá nhỏ nên không thể kịp thu hoạch trước mùa mưa lũ.
Được biết, hàng chục trường hợp được hỗ trợ cá giống tại xã Kỳ Sơn đều không hài lòng khi trọng lượng cá không phù hợp với thời vụ, giá cá lại quá cao. Một người dân nuôi cá cho biết, loại cá giống chỉ có giá từ 40.000 - 45.000 đồng/kg nhưng UBND huyện Tân Kỳ đã đấu thầu với giá hơn 72.000 đồng/kg, khiến người được hỗ trợ bị thiệt thòi.
Tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, nhiều hộ nuôi cá đã thả cá vụ mới từ giữa tháng 10. Sau khi được xã thông báo năm nay nhận cá giống thay vì tiền mặt như các năm trước, nhiều người dân đã phản ứng và tuyên bố không nhận cá nữa.
Anh Phan Huy Hùng (ngụ xóm Làng Rào, xã Tân Hương) cho hay, anh và nhiều hộ khác đã thả cá vụ mới, loại 0,5 - 0,8 kg/con từ cuối tháng 10 nên anh không nhận cá giống được hỗ trợ vì không biết nuôi ở đâu, trong khi bán thì không ai mua vì cá quá nhỏ.
"Chúng tôi không thể ngồi chờ cá hỗ trợ mà phải tranh thủ từng ngày để nuôi cho kịp để chạy lũ năm sau. Nuôi cá nhỏ như thế thì năm sau không thể thu hoạch trước mùa lũ, nếu có lũ lại mất sạch", anh Hùng nói.
Cũng cùng cảnh ngộ như anh Hùng, ông Phan Huy Ước, ngụ cùng xóm, cho biết: “Mình được hỗ trợ, không nhận thì cũng thiệt, mà nhận về rồi cũng không biết làm thế nào. Trong khi đó, ao thả đầy cá rồi. Hy vọng sau này có hỗ trợ, tỉnh cho nhận tiền để người dân chủ động”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Viết Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho biết, năm nay, huyện Tân Kỳ được UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ cá giống cho người nuôi bị thiệt hại do lũ năm 2022. Chủ trương của lãnh đạo tỉnh là năm nay ưu tiên trao con giống nên huyện đã thực hiện đấu thầu mua cá giống phát cho người dân. Khi được hỏi về những bất hợp lý mà người dân phản ánh, ông Quý thừa nhận có sơ suất và sẽ kiểm tra để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm cho những đợt sau.
Về giá cá quá cao, gần gấp đôi giá người dân tự mua, ông Quý cho rằng do phải gánh thêm chi phí vận chuyển, bảo hành và giá này đã được Sở Tài chính Nghệ An phê duyệt.
Được biết, năm nay, tỉnh Nghệ An đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ năm 2022. Nhiều huyện đã chi trả bằng tiền mặt nên người dân chủ động trong việc mua giống để sản xuất, tuy nhiên một số huyện vẫn mua con giống để hỗ trợ và đều gặp phải sự phản ứng vì không phù hợp với nhu cầu của người dân và chi phí con giống quá cao.